Công ty tôi là công ty thực phẩm. Nhân viên phát triển sản phẩm nắm được công thức nấu ăn của công ty. Vậy làm sao để nhân viên giữ bí mật thông tin này? – Kim Tâm (Phan Thiết).
>> 05 lưu ý dành cho người lao động muốn nhảy việc cận Tết Âm lịch 2023
>> Chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm tháng 11/2022: Nhiều quy định sẽ bị bãi bỏ
Các mẫu văn bản quan trọng dành cho người lao động và doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện công việc, người lao động có nhiều cơ hội để tiếp cận được bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp.
Để đảm bảo các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ này không bị tiết lộ cho người khác, đặc biệt là không bị tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có quyền thỏa thuận về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH).
>> Xem thêm tại công việc: “Giao kết hợp đồng lao động”.
Khi xây dựng thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ (Sau đây gọi tắt là Thỏa thuận), doanh nghiệp nên nắm được các lưu ý dưới đây để nội dung Thỏa thuận thật sự giúp doanh nghiệp bảo vệ được bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của mình. Các lưu ý cụ thể như sau:
Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ là nội dung trọng tâm trong Thỏa thuận vì danh mục này là cơ sở để người lao động thực hiện trách nhiệm, là cơ sở để doanh nghiệp yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm khi vi phạm Thỏa thuận.
Để xây dựng được danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Danh mục bí mật kinh doanh của doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Hiện nay, pháp luật chưa có quy định thế nào là bí mật công nghệ, nên doanh nghiệp có thể quy định theo thực tế tại doanh nghiệp, tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo bí mật công nghệ là các thông tin về công nghệ của doanh nghiệp mà doanh nghiệp muốn bảo mật.
Lưu ý: Doanh nghiệp cũng có thể quy định danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ này trong nội quy lao động. Khi đó, nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ được liệt kê trong nội quy lao động, thì doanh nghiệp có thể sa thải người lao động theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Xem thêm tại công việc:
>> “Xây dựng và đăng ký nội quy lao động trong quá trình hoạt động”.
>> “Xử lý kỷ luật sa thải người lao động”.
Pháp luật không có giới hạn về phạm vi sử dụng, thời hạn, phương thức, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, nên doanh nghiệp và người lao động được thỏa thuận về các nội dung này.
Đặc biệt, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động về thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ kéo dài sau khi người lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp.
Khi người lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp, hợp đồng lao động mà các bên giao kết nhưng có nội dung thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ vẫn có giá trị áp dụng theo thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ mà các bên đã thỏa thuận.
Doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận các trách nhiệm trong trường hợp người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Hiện nay, pháp luật lao động chưa có quy định về nội dung này, nên, doanh nghiệp và người lao động có thể căn cứ các quy định về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 để thỏa thuận.
Khi người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động bồi thường theo Thỏa thuận, bằng thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại theo Khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 (nếu người lao động đang làm việc cho doanh nghiệp) hoặc xử lý theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hoặc pháp luật dân sự (nếu người lao động đã nghỉ việc).