Bạn có một giải pháp kỹ thuật mới, một phát minh mới? Bạn muốn bảo hộ cho ý tưởng của mình nhưng ngại ngần khi điều kiện bảo hộ sáng chế quá nghiêm ngặt? Xin giới thiệu một hướng đi khác có thể sẽ giúp bạn hạn chế những nỗi lo trên: Đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích.
>> Infographic - Đăng ký bảo hộ ý tưởng kinh doanh
Giống như sáng chế, giải pháp hữu ích cũng là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Căn cứ để xác định thế nào là giải pháp kỹ thuật được quy định cụ thể tại Điểm b và Điểm c, Khoản 25.3, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Tuy nhiên, giải pháp hữu ích không nhất thiết phải là một giải pháp hoàn toàn mới mà có thể là giải pháp cải tiến hoặc làm tăng thêm chức năng của các giải pháp sẵn có hoặc của các sáng chế đã tồn tại từ trước, tăng tính hữu ích của các giải pháp, sáng chế đó.
Việc không đòi hỏi quá cao về tính sáng tạo đối với giải pháp hữu ích thể hiện trong điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, để được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì phải đáp ứng 03 điều kiện sau:
- Có tính mới: chưa được bộc lộ công khai dưới dưới hình thức công bố, sử dụng hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, được đánh giá theo hướng dẫn tại Khoản 25.5, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp: có khả năng thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình và thu được kết quả ổn định, được đánh giá theo hướng dẫn tại Khoản 25.4, Điều 25 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
- Không thuộc 07 đối tượng sau:
1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
3. Cách thức thể hiện thông tin;
4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
5. Giống thực vật, giống động vật;
6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Điều kiện bảo hộ giải pháp hữu ích có phần “thoáng” hơn so với sáng chế, đặc biệt việc không đòi hỏi “tính sáng tạo” có thể nói là cứu cánh cho nhiều ý tưởng bởi đảm bảo tính sáng tạo tuyệt đối không phải là điều dễ dàng.
Song, để được bảo hộ, giải pháp hữu ích cũng phải trải qua quy trình đăng ký và thẩm định nghiêm ngặt tương tự như sáng chế.
Quý khách hàng có thể xem chi tiết thành phần hồ sơ và quy trình đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích tại công việc Đăng ký bảo hộ sáng chế.
Dẫu vậy, về cơ bản, đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích vẫn “dễ” hơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Bởi lẽ, tuy không có khác biệt về thành phần hồ sơ nhưng nội dung cần chứng minh, mô tả thì đơn giản hơn nhiều.
Hơn nữa, thời hạn để nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung cũng ngắn hơn, chỉ 36 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ (có thể được gia hạn không quá 06 tháng nếu có lý do xác đáng).
Người nộp đơn cần lưu ý là để được cấp bằng bảo hộ và duy trì hiệu lực của văn bằng thì phải nộp đủ lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ, lệ phí đăng bạ và phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất của Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Không những thế, pháp luật còn có quy định đặc biệt để “cứu cánh” những trường hợp đăng ký xin cấp Bằng độc quyền bảo hộ sáng chế nhưng không đủ điều kiện, đó là cho phép người nộp đơn đăng ký sáng chế có thể chuyển đổi yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, với điều kiện nộp đầy đủ lệ phí.
Nếu nộp đơn yêu cầu chuyển đổi sau thời hạn trên thì sẽ không được xem xét, song người nộp đơn có thể nộp đơn mới mà vẫn được lấy ngày nộp đơn (ngày ưu tiên, nếu có) của đơn ban đầu.
Với nhiều thuận lợi như vậy, đổi lại thì Bằng độc quyền giải pháp hữu ích chỉ có giá trị trong vòng 10 năm và không được gia hạn.
Vì những lý do trên, nộp đơn yêu cầu bảo hộ giải pháp hữu ích là lựa chọn thích hợp đối với những sáng chế có tính sáng tạo không cao và có vòng đời ngắn mà vẫn bảo đảm được bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.