Ngày nay, bán hàng online đã không còn là một khái niệm xa lạ. Vừa tiết kiệm chi phí, lại thuận tiện trong giao dịch, đây là phương thức mua bán khiến cả bên bán và bên mua cùng có lợi.
>> Doanh nghiệp có trụ sở từ 5 tầng trở lên bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ
>> Bạn đã hiểu hết về chữ ký số chưa?
Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế đó và rất ưa chuộng sử dụng giải pháp này để mở rộng thị trường kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, khi áp dụng giải pháp này vào quá trình kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Ngành nghề kinh doanh
Dẫu còn nhiều tranh cãi về việc kinh doanh online liệu có phải là một ngành nghề thật sự hay chỉ là một phương thức mà thôi, thì trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam được quy định theo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg và Quyết định 337/QĐ-BKH năm 2007 vẫn có quy định ngành nghề:
4791 Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet
47910 Bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc internet
Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, thì khi mới thành lập, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh; đồng thời, trong quá trình hoạt động, nếu có thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Vì vậy, về nguyên tắc, khi kinh doanh online mà trong các ngành nghề doanh nghiệp đã đăng ký chưa có mã ngành 4791 thì doanh nghiệp phải thông báo bổ sung ngành nghề này.
Xem chi tiết tại công việc: Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh
2. Hình thức bán hàng
Doanh nghiệp có thể bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ trên chính website của mình hoặc trên một website từ một nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (thường là sàn giao dịch thương mại điện tử).
Khi bán hàng trên chính website của mình, lại căn cứ vào việc doanh nghiệp có cho phép các chủ thể khác tham gia và bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên chính website đó hay không mà phải thực hiện thủ tục tương ứng để đăng ký hoặc thông báo website đó với Bộ Công thương.
Tham khảo thêm tại bài viết: Để có một website, doanh nghiệp cần phải làm gì?
Mặt khác, nếu doanh nghiệp đăng tin bán hàng online trên một website từ một nhà cung cấp khác thì doanh nghiệp không cần phải thực hiện các nghĩa vụ trên vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu website.
3. Thuế
Với phương thức kinh doanh này, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế như phương thức mua bán trực tiếp, đặc biệt cần lưu ý các vấn đề sau:
- Tùy mặt hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm đóng thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất tương ứng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, … theo quy định của pháp luật đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó.
- Doanh thu từ bán hàng online được tính gộp vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tham khảo thêm tại:
4. Xuất hóa đơn giá trị gia tăng
Khi kinh doanh online, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn với đầy đủ thông tin cho khách hàng dù khách hàng có muốn lấy hóa đơn hay không.
Đồng thời, lưu ý rằng cách ghi hóa đơn cho các khách hàng mua hàng qua mạng sẽ có một số khác biệt, cụ thể:
- Phần chữ ký của “Bên mua” trong hóa đơn không cần phải có chữ ký của người mua mà chỉ cần ghi rõ là “Bán hàng qua mạng”;
- Nếu khách hàng không lấy hóa đơn thì trong tiêu thức về “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Tham khảo thêm tại các công việc:
- Nguyên tắc lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
- Trường hợp không bắt buộc lập hóa đơn
Quỳnh Như