An toàn, vệ sinh viên là một bộ phận không thể thiếu trong tổ chức vận hành của doanh nghiệp, giúp chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm. Vậy an toàn, vệ sinh viên là ai? Mời Quý thành viên cùng theo dõi nội dung dưới đây:
>> Phân biệt Hợp đồng lao động với Hợp đồng dịch vụ
>> File Excel tính tiền lương làm thêm giờ, làm ban đêm năm 2022
Tại Điều 74 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định an toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.
Theo đó, mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở (nếu có).
An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.
Quyền của an toàn, vệ sinh viên (căn cứ khoản 5 Điều 75 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015):
- Được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
An toàn, vệ sinh viên là chủ thể giúp người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm, đồng thời cũng là chủ thể có trách nhiệm hướng dẫn, giúp người lao động trong các tổ sản xuất chấp hành và thực hiện đúng các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động mà người sử dụng lao động cũng như người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, công tác y tế xây dựng và ban hành. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ của mình, an toàn, vệ sinh viên phải được cung cấp thông tin đầy đủ về các biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động;
- Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên nhưng vẫn được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm;
Trên thực tế, an toàn, vệ sinh viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, tức là một người vừa là người lao động làm việc bình thường trong tổ sản xuất (theo hợp đồng lao động và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động), vừa phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của an toàn, vệ sinh viên. Mà cả 02 nhiệm vụ đều phải thực hiện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, và thường phải thực hiện trong thời giờ làm việc. Vì vậy, an toàn, vệ sinh viên phải được đảm bảo thời gian để thực hiện nhiệm vụ của mình mà không bị giảm lương, thúc đẩy các chủ thể này xung phong thực hiện nhiệm vụ;
Ngoài ra, an toàn, vệ sinh viên cũng được hưởng phụ cấp cho vị trí này, do thực hiện nhiệm vụ ở chế độ kiêm nhiệm, có thể gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc cho người sử dụng lao động, cũng như sức khỏe của người lao động thực hiện 02 công việc cùng lúc, nên an toàn, vệ sinh viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;
- Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó;
Khi nhận thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động, an toàn, vệ sinh viên chưa kịp báo với người sử dụng lao động hoặc bộ phận y tế, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động, hay các chủ thể này chưa đưa ra biện pháp xử lý, an toàn, vệ sinh viên có thể thúc đẩy, đề nghị người lao động trong tổ ngừng làm việc để đảm bảo an toàn, và phải chịu trách nhiệm trước người sử dụng lao động đối với yêu cầu của mình với tư cách là người lao động;
Ngược lại, kể cả khi người sử dụng lao động có biện pháp, thì an toàn, vệ sinh viên vẫn có quyền yêu cầu người lao động dừng làm việc với tư cách an toàn, vệ sinh viên để người sử dụng lao động và các chủ thể khác thực hiện các biện pháp xử lý sự cố;
- Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động;
An toàn, vệ sinh viên được người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện và cũng là 01 trong các chủ thể được tham gia huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động (dù với thời gian và nội dung ngắn nhất), ngoài ra còn có các khóa huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật về thiết bị, máy móc, vật tư mới. Đồng thời, với tư cách là người lao động, an toàn, vệ sinh viên cũng được tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp như người lao động khác.
Nghĩa vụ của an toàn, vệ sinh viên (căn cứ khoản 4 Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015):
- Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, đội, phân xưởng chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động;
- Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;
- Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ;
- Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;
- Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã kiến nghị với người sử dụng lao động mà không được khắc phục.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện có hiệu lực, người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu (khoản 1 Điều 21 Nghị định 44/2016/NĐ-CP).
Lưu ý: Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
Nội dung huấn luyện (Khoản 6 Điều 18 Nghị định 44/2016/NĐ-CP):
- Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động về các nội dung sau:
+ Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
+ Nội dung huấn luyện khác theo quy định.
- Kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên.
Thời gian huấn luyện
Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động (khoản 5 Điều 19 Nghị định 44/2016/NĐ-CP), trong đó:
+ Kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên: 3 giờ huấn luyện lý thuyết.
+ Kiểm tra kết thúc khóa huấn luyện: 1 giờ.
Trên đây là quy định về 04 điều doanh nghiệp phải biết về an toàn, vệ sinh viên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: