Dưới đây là quy định về các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp từ chối cấp và thu hồi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
>> Nội dung đánh giá khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 27/11/2024
Căn cứ Điều 33 Luật Quản lý ngoại thương 2017, áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
(i) Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(ii) Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
(iii) Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản (i) và (ii).
Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Các trường hợp áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương 2017, quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
- Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Căn cứ Điều 21 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ chối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong những trường hợp sau:
(i) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa thực hiện việc đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
(ii) Hồ sơ, quy trình đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không tuân thủ theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
(iii) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có mâu thuẫn về nội dung.
(iv) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được khai bằng tiếng Anh, khai bằng mực màu đỏ, viết tay, bị tẩy xóa, chữ hoặc các dữ liệu thông tin mờ không đọc được, in bằng nhiều màu mực khác nhau.
(v) Hàng hóa không có xuất xứ hoặc không đáp ứng quy tắc xuất xứ.
(vi) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có gian lận về xuất xứ từ lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trước đó và vụ việc chưa được giải quyết xong.
(vii) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu liên quan để chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc không hợp tác trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thu hồi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trong những trường hợp sau:
(i) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp không phù hợp các quy định về xuất xứ.
(ii) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trùng số tham chiếu.
(iii) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không nộp bổ sung chứng từ sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2018/NĐ-CP.
(iv) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả mạo chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
(v) Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông báo bằng văn bản đề nghị hủy bỏ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp.