Viêm gan B lây qua đường nào? Ai được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do nhiễm vi rút viêm gan B?
Viêm gan B lây qua đường nào?
Căn cứ Mục I Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 3310/QĐ-BYT năm 2019 quy định về bệnh viêm gan B như sau:
ĐẠI CƯƠNG
Viêm gan vi rút B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan vi rút 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc di truyền DNA, được chia thành 10 kiểu gen ký hiệu từ A đến J. HBV có 3 loại kháng nguyên chính: HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với 3 loại kháng thể, lần lượt là: Anti-HBs, Anti-HBe và Anti-HBc. Xét nghiệm phát hiện các kháng nguyên, kháng thể này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh cũng như diễn biến bệnh.
HBV có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn, tiến triển thành xơ gan, HCC. HBV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm gan mạn và HCC tại Việt Nam. Tiêm vắc xin là biện pháp dự phòng lây nhiễm HBV hiệu quả và an toàn.
Như vậy, bệnh viêm gan B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra.
Vi rút gây bệnh viêm gan B lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
Viêm gan B lây qua đường nào? Ai được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do nhiễm vi rút viêm gan B? (Hình từ Internet)
Ai được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do nhiễm vi rút viêm gan B?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT (được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BYT) như sau:
Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định
...
30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp và hướng dẫn chẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 30 ban hành kèm theo Thông tư này.
...
Căn cứ Mục 1 Phụ lục 30 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định như sau:
Định nghĩa bệnh
Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp là bệnh gan do vi rút viêm gan B gây ra trong quá trình lao động.
...
Theo đó, bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp là bệnh gan do vi rút viêm gan B gây ra trong quá trình lao động.
Theo Mục 3 Phụ lục 30 ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định, đối tượng được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do nhiễm vi rút B nghề nghiệp là những người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút viêm gan B gồm:
- Nhân viên y tế;
- Quản giáo, giám thị trại giam;
- Công an;
- Nghề, công việc khác tiếp xúc với vi rút viêm gan B.
Mức bồi thường bệnh nghề nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
...
Và theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
3. Mức bồi thường:
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này được tính như sau:
a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}
Trong đó:
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
- a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Ví dụ 1:
- Ông A bị bệnh nghề nghiệp, giám định sức khỏe lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường lần thứ nhất cho ông A tính như sau:
Tbt = 1,5 + {(15 - 10) x 0,4} = 3,5 (tháng tiền lương).
- Định kỳ, ông A giám định sức khỏe lần thứ hai thì mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%). Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là:
Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng tiền lương).
Như vậy, người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động bồi thường như sau:
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 10%: Được bồi thường ít nhất 1,5 tháng tiền lương.
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%: Được bồi thường theo công thức sau:
Tiền bồi thường = 1,5 tháng lương + (Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động - 10) x 0,4
- Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết: Được bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp được xác định là mức bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp.
Lưu ý: Số tiền bồi thường trả cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Lần bồi thường thứ nhất: Căn cứ vào tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu.
- Từ lần bồi thường thứ hai trở đi: Căn cứ vào tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch so với kết quả giám định ngay trước đó.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?