Thời giờ khám sức khỏe được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương của người lao động?
Thời giờ khám sức khỏe có được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương của người lao động?
Tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương như sau:
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
1. Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 của Bộ luật Lao động.
5. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
6. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
7. Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 của Bộ luật Lao động.
8. Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Lao động.
9. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
10. Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Theo quy định trên, thời giờ khám sức khỏe của người lao động vẫn được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
Ngoài ra, thời giờ khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cũng được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Đây là quy định mới được áp dụng từ năm 2021. Trước đây, tại Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP (hết hiệu lực vào ngày 1/2/2021) quy định:
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
1. Nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
2. Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
3. Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
4. Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
5. Nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh.
6. Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
7. Thời giờ học tập, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
8. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
9. Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.
10. Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
Có thể thấy Nghị định 145/2020/NĐ-CP vẫn giữ nguyên 7 trường hợp quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được ghi nhận từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, đồng thời bãi bỏ, bổ sung một số nội dung sau:
(1) Bãi bỏ 2 khoảng thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương:
- Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do công đoàn cấp trên triệu tập cán bộ công đoàn không chuyên trách theo quy định của pháp luật về công đoàn.
- Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.
(2) Bổ sung 3 khoảng thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương:
- Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 Bộ luật Lao động 2019.
- Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Thời giờ khám sức khỏe được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương của người lao động? (Hình từ Internet)
Thời giờ làm việc bình thường của người lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, thời giờ làm việc bình thường là thời gian làm việc không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần, được nhà nước quy định để đảm bảo sức khỏe, tinh thần, cân bằng cuộc sống cho người lao động.
Sử dụng người lao động vượt mức thời giờ làm việc quy định thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
...
Theo đó người sử dụng lao động sử dụng người lao động làm việc quá số giờ làm việc bình thường quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?