Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân như thế nào?
Hiện nay có mấy loại tranh chấp lao động?
Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 về tranh chấp lao động như sau:
Tranh chấp lao động
1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:
a) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
...
Theo đó, hiện nay pháp luật lao động chia tranh chấp lao động thành 3 loại:
- Tranh chấp lao động cá nhân.
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền.
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân như thế nào? (Hình từ Internet)
Các tranh chấp lao động nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân?
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 về các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân như sau:
(1) Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động:
+ Hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng;
+ Hòa giải không thành
+ Hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
- Các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
+ Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
- Tranh chấp lao động cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết:
+ Hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập,
+ Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc
+ Một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động
(2) Tranh chấp lao động tập thể về quyền
- Tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động khi:
+ Hòa giải không thành;
+ Hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
+ Một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành.
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết khi:
+ Hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập;
+ Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp;
+ Một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
(3) Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:
- Tranh chấp về học nghề, tập nghề;
- Tranh chấp về cho thuê lại lao động;
- Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;
- Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
(4) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
(5) Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 thì Tòa án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân các cấp như thế nào?
Tòa án nhân dân cấp huyện
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
..
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm, trừ các tranh chấp thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
...
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm khi:
- Có đương sự ở nước ngoài;
- Có tài sản ở nước ngoài;
- Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Và theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh
...
4. Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
a) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;
b) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Theo đó, Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục phúc thẩm.
Thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ
Bên cạnh đó, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
...
Như vậy, Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động.
Trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về lao động thì theo thỏa thuận.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?