Những lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân? Người lao động được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào?

Cho tôi hỏi Việt Nam có những lễ hội nào mùa Xuân? Lễ hội nào thì người lao động cũng sẽ được nghỉ làm? Câu hỏi của anh P.T.Q (An Giang).

Những lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân?

Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội mùa xuân trên khắp đất nước bắt đầu được khai hội, một số lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân như sau:

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương hay trẩy hội Chùa Hương là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam. Lễ hội chùa Hương được tổ chức tại khu thắng cảnh Hương Sơn nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Lễ hội Chùa Hương kéo dài từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 Âm lịch. Đây là một lễ hội lớn được tổ chức hằng năm, thu hút số lượng đông đảo các Phật tử trên cả nước tham gia hành hương.

Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội gò Đống Đa hay còn gọi là lễ hội chiến thắng là một trong những lễ hội lớn diễn ra tại quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết.

Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ đến những chiến công chống giặc ngoại xâm cứu nước của vua Quang Trung. Lễ hội mang những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng trống chiêng thôi thúc chiến đấu, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Lễ hội Khai ấn đền Trần

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, TP Nam Định. Đây là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam để tri ân công đức của các vị vua Trần. Hội sẽ được bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý và ấn được phát tại 3 nhà: nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần.

Lễ hội mùa xuân đền Trần những năm gần đây thu hút rất nhiều du khách thập phương với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt.

Lễ hội Yên Tử

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến tận tháng 3 Âm lịch. Du khách có thể tới Yên Tử để tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi, du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân. Nơi đây du khách cầu bình an, may mắn cho cả năm thuận buồm xuôi gió.

Yên Tử được xem như một điểm hấp dẫn du lịch tôn giáo, lịch sự, văn hóa và sinh thái. Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Ðồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Những giá trị tinh thần, văn hoá của tổ tiên; sự dâng hiến tinh khiết, trong hoa lá…

Lễ hội chợ Viềng

Phiên chợ Viềng tại Nam Định nổi tiếng trong các lễ hội mùa xuân tại Việt Nam. Đi chợ Viềng người dân mong muốn "mua may bán rủi". Dù không mang nhiều tính thương mại nhưng lại có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cầu may theo quan niệm truyền thống.

Lễ hội diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội thu hút rất đông người dân, khách du lịch tới tham gia. Các mặt hàng tại chợ Viềng hết sức đa dạng, từ đồ ăn cho tới các vật dụng thôn quê quen thuộc như: thúng, đơm, giỏ, đó, đòn gánh, cuốc xẻng… mỗi du khách có thể lựa chọn mua một thứ đồ yêu thích để lấy "may".

Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức trong vòng 6 ngày từ mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch.

Đến lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến màn rước kiệu vua và lễ dâng hương. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hát xoan, đấu vật, kéo co, bơi…

Lễ hội Đền vua Mai

Lễ hội Đền vua Maidiễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan. Vị vua này được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Lễ hội vật làng Sình

Lễ hội vật truyền thống làng Sình mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô Huế. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Lễ hội mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, sự tự tin, lòng dũng cảm đối với thế hệ thanh niên.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư còn có tên gọi khác là Lễ hội Cá Ông. Lễ hội được xem là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ.

Tham dự lễ hội, du khách có thể để ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống cùng phong tục thờ cúng Cá Ông theo truyền thuyết dân gian. Lễ hội sẽ được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội núi Bà Đen

Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội lớn nhất miền Nam. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng. Tuy nhiên, bắt đầu từ chiều 30 Tết cho đến hết tháng Giêng Âm lịch du khách thập phương đã đổ về đây dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Ngoài ra, du khách có thể ngắm phong cảnh hùng vĩ, tận hưởng không khí nơi đền chùa thiêng liêng.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà - Bình Dương) bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng và diễn ra trong 3 ngày. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Bộ.

Ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, người dân thường bày bàn cúng trước cửa vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị rước Bà vào sáng hôm sau. Dân chúng khắp nơi đổ về thắp hương và cầu mong phúc lộc, bình an.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất của TP Hồ Chí Minh. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Lễ hội diễn ra nhằm tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh niên kế cận tiếp bước.

Ngoài các lễ hội nói trên thì còn rất nhiều lễ hội truyền thống khác ở các địa phương trên cả nước.

Những lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân? Người lao động được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào?

Những lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân? Người lao động được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào? (Hình từ Internet)

Người lao động được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào?

Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.

Theo quy định trên, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 06 dịp lễ, tết trong năm là:

- Tết Dương lịch;

- Tết Âm lịch;

- Ngày Chiến thắng;

- Ngày Quốc tế lao động;

- Quốc khánh;

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Như vậy, người lao động sẽ được nghỉ làm 01 ngày vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Do đó, Lễ hội đền Hùng cũng là ngày lễ mà người lao động được nghỉ.

Lương của người lao động được nhận khi làm việc vào các ngày nghỉ lễ là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, theo quy định trên, người lao động đi làm dịp lễ thì được hưởng mức lương như sau:

- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.

- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.

Lễ hội truyền thống
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Lao động tiền lương
Lễ hội truyền thống Việt Nam nào mà người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương?
Lao động tiền lương
Lễ hội truyền thống là gì? Người lao động có được nghỉ làm vào những ngày lễ, hội trong năm không?
Lao động tiền lương
Những lễ hội ở Việt Nam vào mùa Xuân? Người lao động được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào?
Lao động tiền lương
Các lễ hội truyền thống ở Việt Nam? Người lao động có được nghỉ làm vào lễ hội truyền thống nào không?
Đi đến trang Tìm kiếm - Lễ hội truyền thống
447 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Lễ hội truyền thống

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Lễ hội truyền thống

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào