Người lao động đang đi làm việc được hoãn chấp hành hình phạt tù trong những trường hợp nào?
Người lao động đang đi làm có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù không?
Hoãn chấp hành án phạt tù được hiểu là việc chuyển thời điểm người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù sang một thời điểm muộn hơn. Trên thực tế có những trường hợp khi người lao động là lao động chính trong gia đình phải chấp hành hình phạt ngay sẽ tác động lớn đến kinh tế, sinh sống của gia đình vì thế nhà nước cho phép điều này nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, ngoài ra còn hướng đến bảo vệ quyền con người cho người bị kết án và cả người thân của họ.
Tuy nhiên, việc quyết định áp dụng, thi hành chế định hoãn chấp hành án phạt tù cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để bảo đảm áp dụng đúng người, đúng đối tượng, đúng trường hợp, không để bị lợi dụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Như vậy, người lao động là lao động chính trong gia đinh nếu bị kết án phạt tù sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét dời ngày chấp hành án.
- Thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù là 01 năm.
- Trừ một số trường hợp như:
+ Phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
+ Phạm tội rất nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
+ Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Người lao động đang đi làm việc được hoãn chấp hành hình phạt tù trong những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục đề nghị hoãn thi hành án hình sự cho người lao động như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù như sau:
- Bước 1: Người bị kết án làm đơn đề nghị gửi cho một trong các chủ thể sau đây:
+ Gửi trực tiếp cho Chánh án TAND đã ra bản án;
+ Gửi đến VKS để VKS gửi văn bản đề nghị đến Chánh án TAND đã ra bản án;
+ Gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú để cơ quan này gửi văn bản đề nghị đến Chánh án TAND đã ra bản án
- Bước 2: Chánh án TAND nhận được đề nghị phải xem xét ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
- Bước 3: Sau khi có quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù, trong 3 ngày làm việc Tòa án gửi quyết định cho các chủ thể sau:
+ Người được hoãn chấp hành án và người đại diện trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người dưới 18 tuổi;
+ Viện kiểm sát cùng cấp;
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
+ Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;
Người lao động vi phạm pháp luật bị kết án phạt tù có được hoãn thực hiện hợp đồng lao động hay không?
Theo Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;
đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
...
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
...
Theo đó, người lao động chỉ được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi bị tạm giam hoặc tạm giữ. Trường hợp, người lao động đã bị kết án phạt tù thì không được tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?
- Black Friday là thứ mấy? Trong tháng 11 2024 có ngày lễ lớn nào NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?