Người lao động có được hỗ trợ học nghề khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không?
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật có được hỗ trợ học nghề không?
Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện được hỗ trợ học nghề, cụ thể như sau:
Điều kiện được hỗ trợ học nghề
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc như sau:
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
...
Đối chiếu với khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định:
Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Theo đó, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được hỗ trợ học nghề.
Người lao động có được hỗ trợ học nghề khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật không? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào người lao động được cho là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo thời hạn báo trước theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động vẫn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong các trường hợp được được tại điều khoản này.
Như vậy, khi người lao động nghỉ việc mà không đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước hoặc không thuộc trường hợp nghỉ việc mà không cần báo trước thì được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật có phải bồi thường hợp đồng không?
Tại Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, cụ thể:
- Bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?