Mức xử phạt đối với công ty trả không đủ lương làm việc vào ban đêm cho người lao động so với trước đây có thay đổi gì không?
- Thời gian làm việc vào ban đêm được quy định thế nào?
- Kỳ hạn trả lương cho người lao động được quy định ra sao?
- Công ty trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho người lao động thì mức xử phạt là bao nhiêu? So với trước đây có thay đổi gì không?
- Thời hiệu xử phạt hành chính đối với công ty có hành vi không trả đủ lương làm việc vào ban đêm cho người lao động trong bao lâu?
Thời gian làm việc vào ban đêm được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc vào ban đêm như sau:
Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Như vậy, thời gian làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Mức xử phạt đối với công ty trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho người lao động so với trước đây có thay đổi gì không? (Hình từ Internet)
Kỳ hạn trả lương cho người lao động được quy định ra sao?
Theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định kỳ hạn trả lương cho người lao động được quy định như sau:
- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều người sử dụng lao động không trả, chậm trễ trả hoặc trả không đủ lương do các vấn đề về khó khăn nội bộ bên trong.
Nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã thông qua điều luật về trường hợp bất khả kháng quy định về sự kiện bất khả kháng tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Kỳ hạn trả lương
...
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Cụ thể trong trường hợp người sử dụng lao động chứng minh được việc đã sử dụng mọi biện pháp khác phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì sẽ được lùi thời hạn trả lương 30 ngày.
Nếu sau 15 ngày công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương thì sẽ phải trả lương cộng theo tiền lãi tính theo lương với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương.
Công ty trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm cho người lao động thì mức xử phạt là bao nhiêu? So với trước đây có thay đổi gì không?
Theo Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có những nghĩa vụ như sau:
Trả lương
1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương cho người lao động đúng theo thỏa thuận, năng suất và chất lượng công việc.
Trường hợp người sử dụng lao động không trả lương hoặc không trả đủ lương cho người lao động thì theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính với mức xử phạt đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả lương hoặc trả không đủ lương làm việc cho người lao động như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 5 triệu đến 20 triệu cho hành vi không trả lương, trả lương không đúng thời hạn hoặc không trả đủ lương cho người lao động làm việc vào ca đêm.
Bên cạnh đó theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối chiếu với quy định cũ tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/04/2020 - 17/01/2022), Nghị định mới Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã sửa đổi nâng mức xử phạt tối thiểu cho hành vi chậm trễ trả, không trả hoặc trả thiếu lương cho người lao động từ 3 triệu lên 5 triệu đồng.
Thời hiệu xử phạt hành chính đối với công ty có hành vi không trả đủ lương làm việc vào ban đêm cho người lao động trong bao lâu?
Với hành vi không trả đủ lương làm việc vào ca tối cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi hành chính với thời hiệu căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Như vậy, người sử dụng lao động vi phạm hành chính không trả lương, trả lương không đủ hoặc không đúng hạn cho người lao động theo đúng hợp đồng lao động thì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm tính từ thời điểm phát hiện lỗi vi phạm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?