Mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc bán thời gian hiện nay bao nhiêu?
Mức lương tối thiểu vùng là gì?
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương cho người lao động. Hay nói cách khác là khoản tiền lương mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được pháp luật quy định theo từng thời kỳ.
Mức lương tối thiểu vùng có áp dụng với người lao động làm việc bán thời gian? Mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Interrnet)
Mức lương tối thiểu vùng có áp dụng với người lao động làm việc bán thời gian?
Theo Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Và quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2022NĐ-CP như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
2. Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:
a) Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.
Như vậy, người lao động làm việc bán thời gian hay còn gọi là làm việc không trọn thời gian thì vẫn được trả lương đúng theo quy định của pháp luật, trong đó có quy định về mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/7/2022 như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 38/2022NĐ-CP như sau:
Áp dụng mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:
a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.
b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.
Thông thường, khi làm việc bán thời gian thì người sử dụng lao động thường áp dụng chế độ lương theo giờ, theo ngày, hoặc theo sản phẩm, lúc này người sử dụng lao động cần phải quy đổi sao cho đúng với quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu.
Theo Mục 1 Phụ lục Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 ban hành tại Nghị định 38/2022NĐ-CP thì bạn đang làm việc tại TPHCM là địa bàn thuộc vùng I nên sẽ áp dụng mức lương tối thiểu là 22.500 đồng/giờ hoặc 4.680.000 đồng/tháng.
Quy định về mức lương tối thiểu vùng qua các năm như thế nào?
Mức lương tối thiểu vùng giai đoạn 01/01/2009 đến nay:
(đơn vị : đồng/tháng)
Thời gian | Vùng I | Vùng II | Vùng III | Vùng IV | Căn cứ pháp lý |
Từ ngày 01/7/2022 | 4.680.000 | 4.160.000 | 3.640.000 | 3.250.000 | Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2020 | 4.420.000 | 3.920.000 | 3.430.000 | 3.070.000 | Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2019 | 4.180.000 | 3.710.000 | 3.250.000 | 2.920.000 | Điều 3 Nghị định 157/2018/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2018 | 3.980.000 | 3.530.000 | 3.090.000 | 2.760.000 | Điều 3 Nghị định 141/2017/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2017 | 3.750.000 | 3.320.000 | 2.900.000 | 2.580.000 | Điều 3 Nghị định 153/2016/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2016 | 3.500.000 | 3.100.000 | 2.700.000 | 2.400.000 | Điều 3 Nghị định 122/2015/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2015 | 3.100.000 | 2.750.000 | 2.400.000 | 2.150.000 | Điều 3 Nghị định 103/2014/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2014 | 2.700.000 | 2.400.000 | 2.100.000 | 1.900.000 | Điều 3 Nghị định 182/2013/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2013 | 2.350.000 | 2.100.000 | 1.800.000 | 1.650.000 | Điều 3 Nghị định 103/2012/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2012 | 2.000.000 | 1.780.000 | 1.550.000 | 1.400.000 | Điều 2 Nghị định 70/2011/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2011 | 1.350.000 | 1.200.000 | 1.050.000 | 830.000 | Điều 2 Nghị định 108/2010/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2010 | 980.000 | 880.000 | 810.000 | 730.000 | Điều 2 Nghị định 97/2009/NĐ-CP |
Từ ngày 01/1/2009 | 800.000 | 740.000 | 690.000 | 650.000 | Điều 2 Nghị định 110/2008/NĐ-CP |
Mức lương tối thiểu vùng giai đoạn 01/01/2009 trở về trước:
(đơn vị : đồng/tháng)
Thời gian | Mức lương tối thiểu | Căn cứ pháp lý |
Từ ngày 01/01/2008 | - Mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. - Mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. - Mức 540.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại. | Điều 2 Nghị định 167/2007/NĐ-CP |
Từ ngày 01/10/2006 | 450.000 | Điều 1 Nghị định 94/2006/NĐ-CP |
Từ ngày 01/10/2005 | 350.000 | Điều 1 Nghị định 118/2005/NĐ-CP |
Từ ngày 01/01/2003 | 290.000 | Điều 1 Nghị định 03/2003/NĐ-CP |
Từ ngày 01/01/2001 | 210.000 | Điều 1 Nghị định 77/2000/NĐ-CP |
Từ ngày 01/01/2000 | 180.000 | Điều 1 Nghị định 10/2000/NĐ-CP |
Từ ngày 01/4/1993 | 120.000 | Điều 2 Nghị định 26-CP năm 1993 |
Từ ngày 01/9/1985 | 220 | Điều 2 Nghị định 235-HĐBT năm 1985 |
- Nghị quyết 24: Chính thức thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đối với cán bộ công chức viên chức thì các khoản chi ngoài lương kèm theo NQ có áp dụng không?
- Độ tuổi lao động năm 2025 của người lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất là bao nhiêu tuổi?
- Cơ quan xét xử cao nhất của nước ta là gì?
- Từ 1/7/2025 công chứng viên được phân công hướng dẫn tập sự phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm hành nghề công chứng?
- Người lao động đã thành lập tổ chức nào để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình?