Mức lương tính trợ cấp thôi việc được quy định như thế nào?
Mức lương tính trợ cấp thôi việc được quy định như thế nào?
Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp bắt buộc từ người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên trợ cấp thôi việc được tính theo mức lương nào thì không phải người lao động nào cũng nắm được.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật lao động 2019, việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương với công thức tính trợ cấp thôi việc như sau:
Tiền trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương x Thời gian làm việc
Trong đó:
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, cụ thể là các khoản sau:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
Như vậy, mức lương để tính trợ cấp thôi việc là mức lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc theo như quy định nêu trên.
Mức lương tính trợ cấp thôi việc được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc thay đổi qua các năm như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
...
Quy định này cơ bản kế thừa lại quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc được nhận trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên;
- Chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019
+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Không thuộc trường hợp: NLĐ nghỉ hưu hoặc NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
Trước đó, theo Điều 42 Bộ luật Lao động 1994 được sửa đổi bởi điểm b khoản 56 Điều 1 Bộ luật Lao động sửa đổi 2002 có quy định như sau:
1- Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.
2- Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 85 của Bộ luật này, người lao động không được trợ cấp thôi việc.
Theo đó, trước ngày 01/5/2013 (ngày Bộ luật Lao động 2012 chính thức có hiệu lực) thì pháp luật lao động chỉ loại trừ trường hợp được nhận trợ cấp thôi việc với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do bị sa thải.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời gian bao lâu?
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
...
Theo đó, tối đa 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động sẽ nhận được trợ cấp thôi việc. Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động có thể phải chờ đến 30 ngày để nhận trợ cấp thôi việc.
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?
- Black Friday là thứ mấy? Trong tháng 11 2024 có ngày lễ lớn nào NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?