Mức lương thử việc phải thấp hơn mức lương chính thức?
Tiền lương thử việc được hiểu thế nào?
Hiện nay, Pháp luật không có giải thích về cụm từ "tiền lương thử việc". Tuy nhiên khái niệm tiền lương được nêu chung tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Như vậy từ quy định trên có thể hiểu tiền lương thử việc là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động
Cần đảm bảo nội dung tiền lương trong hợp đồng thử việc?
Căn cứ Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định hợp đồng thử việc như sau:
Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Từ quy định trên, dẫn chiếu điểm a, b, c, đ, g và điểm h khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...
Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 21, khoản 2 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung của hợp đồng thử việc cần phải lưu ý các nội dung trên trong đó có quy định về mức lương.
Mức lương thử việc phải thấp hơn mức lương chính thức?
Căn cứ theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về mức tiền lương thử việc như sau:
Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, pháp luật không quy định mức lương thử việc phải thấp hơn mức lương chính thức mà quy định mức lương thử việc công ty trả cho người lao động ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức của công việc đó. Tức, công ty và người lao động có thể thỏa thuận trả mức lương cao hơn 85% hoặc có thể bằng 100% lương chính thức.
Công ty trả lương thử việc thấp hơn quy định sẽ bị xử phạt ra sao?
Như đề cập ở trên, công ty và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về mức lương thử việc tuy nhiên nó không được thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.
Trường hợp công ty trả lương thử việc thấp hơn quy định là hành vi vi phạm quy định về thử việc sẽ bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;
b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;
b) Thử việc quá thời gian quy định;
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, công ty trả lương thử việc thấp hơn quy định cho người lao động thử việc sẽ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?