Một số quy định về khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp cần chú ý?
Một số quy định về khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp cần chú ý?
(1) Thời gian tổ chức khám sức khỏe định kỳ
Hiện nay, pháp luật không quy định về thời gian cụ thể tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động mà thời gian này sẽ do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo hằng năm phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động (Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
(2) Lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tổ chức khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
(3) Lao động tiếp xúc yếu tố có nguy cơ gây bệnh được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp
Cũng theo khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
(4) Nội dung khám sức khỏe định kỳ
Căn cứ Điều 36 Thông tư 32/2023/TT-BYT thì khám sức khỏe định kỳ theo các nội dung sau:
- Đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ: Khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT: Tại đây
Cụ thể khám các hạng mục sau:
+ Khám tiền sử bệnh, tật.
+ Khám thể lực.
+ Khám lâm sàng.
+ Khám cận lâm sàng.
- Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục số XXV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT: Tại đây
Cụ thể khám các hạng mục sau:
+ Khám phụ khoa.
+ Sàng lọc ung thư cổ tử cung.
+ Sàng lọc ung thư vú.
+ Siêu âm tử cung - phần phụ.
- Phải khám đầy đủ các nội dung theo từng chuyên khoa. Trường hợp khó cần hội chẩn hoặc chỉ định làm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và mức độ bệnh, tật làm cơ sở phân loại sức khoẻ.
(5) Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ
Căn cứ khoản 4 Điều 34 Thông tư 32/2023/TT-BYT thì hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động bao gồm:
- Sổ khám sức khỏe định kỳ theo Mẫu số 03 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT: Tại đây
- Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách khám sức khỏe định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo hợp đồng.
(6) Thời hạn trả sổ khám sức khỏe định kỳ:
Căn cứ khoản 3 Điều 38 Thông tư 32/2023/TT-BYT thì thời hạn trả sổ khám sức khỏe định kỳ như sau:
- Đối với trường hợp khám sức khỏe đơn lẻ: cơ sở khám sức khỏe trả sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe, trừ trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện khám sức khỏe;
- Đối với trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng: cơ sở khám sức khỏe trả sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
(7) Chi phí khám sức khỏe định kỳ
Căn cứ khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả.
Chi phí này sẽ được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Một số quy định về khám sức khỏe định kỳ doanh nghiệp cần chú ý? (Hình từ Internet)
Thời giờ khám sức khỏe định kỳ có được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương của người lao động không?
Căn cứ khoản 9 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương như sau:
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương
...
9. Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
...
Theo đó, thời giờ khám sức khỏe định kỳ được thực hiện theo sự bố trí của doanh nghiệp nên vẫn được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương cho người lao động.
Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
...
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?