Lương gross là gì? Cách tính lương gross sang net dành cho người lao động ra sao?
Thế nào là tiền lương?
Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 có quy định giải thích về tiền lương như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Như vậy, quy định trên đã giải thích rõ về "tiền lương là gì?". Đây là các khoản tiền đã được thoả thuận bao gồm:
- Mức lương theo công việc, chức danh
- Phụ cấp lương
- Các khoản bổ sung khác.
Lương gross là gì? Cách tính lương gross sang net dành cho người lao động ra sao?
Lương gross là gì?
Hiện nay theo Bộ luật Lao động 2019 nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung không có quy định cụ thể về khái niệm lương Gross Tuy nhiên thuật ngữ này lại được sử dụng thường xuyên trong môi trường doanh nghiệp, nhìn chung đây chỉ là tên gọi cho mức lương trả cho người lao động. Trong đó:
- Lương Gross là tổng tiền lương mỗi tháng của người lao động bao gồm lương cơ bản; các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng,… và cả các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân (nếu có) của người lao động mà doanh nghiệp chưa trích đóng.
Cách tính lương gross sang net dành cho người lao động ra sao?
Như phân tích ở trên, lương gross là tổng tiền lương mà người lao động nhận được mỗi tháng còn tiền lương net là tiền lương mà người lao động nhận được về tay mình khi đã trừ các khoản phí. Do đó tính lương gross sang lương net sẽ được tính dựa theo công thức sau đây:
Lương gross = Lương net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + Đoàn phí (nếu có)
Lương net = Lương gross – (Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có) + Đoàn phí (nếu có))
Trong đó:
- Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc được quy định như sau:
+ Bảo hiểm xã hội: 8% (khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 )
+ Bảo hiểm thất nghiệp: 1% (Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013)
+ Bảo hiểm y tế: 1,5% (Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)
- Tiền đoàn phí: 1% tiền lương (Điều 23 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016)
- Đối với thuế TNCN:
Thuế TNCN = (Tổng thu nhập – Các khoản được miễn – Khoản giảm trừ) * Thuế suất
Nếu người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên thì có thể sẽ thuộc trường hợp nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào những khoản được giảm trừ, miễn TNCN (Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14)
Lưu ý: Để tính TNCN phải nộp, tham khảo Biểu thuế suất lũy tiến từng phần; hoặc cũng có thể áp dụng phương pháp rút gọn theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Công ty có được đồng thời trả lương bằng tiền mặt và chuyển khoản cho người lao động không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về hình thức trả lương như sau:
Hình thức trả lương
1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó, pháp luật có quy định việc trả lương cho người lao động thông qua hai hình thức là tiền mặt hoạt trả qua tài khoản cá nhân.
Tuy nhiên pháp luật không đề cập về việc có thể sử dụng cả hai hình thức cùng một lúc. Do đó trường hợp muốn trả lương một nửa bằng tiền mặt và một nửa lương chuyển khoản thì do công ty và người lao động thỏa thuận với nhau và không trái với quy định pháp luật.
Công ty không trả đủ lương cho người lao động thì bị xử lý như thế nào?
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong quá trình lao động, pháp luật đã có những quy định về nguyên tắc trả lương tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Như vậy nếu công ty không trả lương cho người lao động là hành vi vi phạm về quy định tiền lương và sẽ bị xử phạt tại Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về tiền lương
…
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, công ty không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Công cụ tính lương gross sang lương net chuẩn nhất: TẠI ĐÂY
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?