Lao động chưa thành niên có đương nhiên được làm thêm giờ đối với những công việc được làm hằng ngày không?
Bao nhiêu tuổi được xem là lao động chưa thành niên?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Lao động chưa thành niên
1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.
2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động chưa đủ 18 tuổi là lao động chưa thành niên.
Lao động chưa thành niên có đương nhiên được làm thêm giờ đối với những công việc được làm hằng ngày không? (Hình từ Internet)
Lao động chưa thành niên có đương nhiên được làm thêm giờ đối với những công việc được làm hằng ngày không?
Căn cứ theo Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên
1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo đó, không được sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ và chỉ được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ đối với những công việc được cho phép, cụ thể gồm:
- Biểu diễn nghệ thuật.
- Vận động viên thể thao.
- Viết văn, viết báo.
- Lập trình phần mềm.
- Các nghề truyền thống: chấm men gốm; làm giấy dó; làm nón lá; se nhang; chấm nón; dệt chiếu; làm trống; dệt thổ cẩm; thêu thổ cẩm; làm bún gạo; làm miến; làm giá đỗ; làm bánh đa; dệt tơ tằm; se sợi hoa sen.
- Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…); nặn tò he; làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lụa; nhặt vỏ sò, điệp... để gắn trên tranh mỹ nghệ; xâu chuỗi tràng hạt kết cườm; làm rối búp bê; làm thiếp mừng các sản phẩm từ giấy nghệ thuật trang trí trên thiếp mừng; làm khung tranh mô hình giấy, hộp giấy, túi giấy.
- Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón.
- Gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ trường hợp vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói).
- Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.
- Đưa tin, thư bưu phẩm, bưu kiện; đóng gói bưu phẩm.
- Bán hàng tận nhà; bán hàng qua điện thoại; bán hàng trực tuyến.
- Đánh giày; chế biến, bán hàng thực phẩm trên hè phố.
- Gia sư; quét dọn, giúp việc trong các gia đình; phụ giúp vệ sinh nhà cửa.
- Bảo vệ, trông xe các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng.
- Thu tiền từ máy bán hàng tự động, ghi số từ các đồng hồ; thu ngân, bán hàng trong siêu thị.
- Công việc trong nhà hàng, quán ăn, quán cà phê: lễ tân, pha chế đồ uống, phụ bàn, phụ bếp, đầu bếp, tạp vụ.
- Công việc văn phòng: photo, đánh máy, trực điện thoại.
- Dịch vụ bán hàng: quần áo, giày dép, sách báo, tạp hóa.
- Sơ chế nông sản: phân loại, gọt vỏ, bóc vỏ, tách nhân, đóng gói.
- Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa.
- Nuôi gia súc, gia cầm, nuôi giun, dế, côn trùng không độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, lao động chưa thành niên không đương nhiên được làm thêm giờ đối với những công việc được làm hằng ngày: người lao động chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ và chỉ được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ đối với những công việc được cho phép.
Mức xử phạt thấp nhất khi sử dụng lao động chưa thành niên làm thêm giờ là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
...
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.
...
Theo đó, sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ hoặc sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ đối với những công việc không được pháp luật cho phép mức phạt thấp nhất là 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức (Theo nguyên tắc tổ chức bị phạt tiền gấp đôi so với cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?