Khung giờ nào được xem là giờ hành chính?
Khung giờ nào được xem là giờ hành chính?
Giờ hành chính là thời giờ làm việc bình thường của người lao động trong các doanh nghiệp.
Hiện nay, không có quy định chung về giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị hành chính. Tuy nhiên thông thường sẽ căn cứ vào quy định trong Bộ luật Lao động, cụ thể, tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
...
Mỗi cơ quan, địa phương sẽ áp dụng khung giờ khác nhau, tùy theo tính chất công việc và địa bàn hoạt động.
Như tại Thành phố Hồ Chí Minh, quy định về thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được đề cập tại Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 67/2017/QĐ-UBND, thời giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước như sau:
- Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.
- Buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.
Thời giờ làm việc này có thể điều chỉnh phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác của từng cơ quan, đơn vị và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố nhưng phải đảm bảo đủ 08 giờ làm việc/01 ngày làm việc.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tình hình thực tế bố trí thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo đúng quy định của Bộ Luật Lao động 2019.
Hay ở tỉnh Thừa Thiên Huế quy định tại Quyết định 2022/QĐ-UBND năm 2022, thời gian làm việc hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
- Buổi sáng: Từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 30
- Buổi chiều: Từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 30
Qua đó, khung giờ hành chính áp dụng với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có sự chênh lệch khác nhau hoặc chênh lệch theo mùa nhưng đảm bảo tối đa 8 giờ/ngày theo quy định của pháp luật về lao động.
Tóm lại, giờ hành chính được tính 08 giờ/ngày, không kể thời gian nghỉ trưa và áp dụng chung cho tất cả mọi người, từ nhân viên cho đến lãnh đạo. Tùy vào tính chất công việc mà giờ hành chính ở các nơi có thể chênh lệch nhau 30 phút hoặc 01 giờ.
Khung giờ nào được xem là giờ hành chính? (Hình từ Internet)
Có thể làm thêm giờ ngoài giờ hành chính hay không?
Tại Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Làm thêm giờ
1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Phải được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
...
Đây là quy định chung, không có bất cứ sự phân biệt nào giữa những người lao động với nhau. Chính vì vậy, người làm giờ hành chính cũng có thể làm thêm giờ.
Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định về thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc:
+ Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, giày, da, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
+ Sản xuất, viễn thông, cung cấp điện, lọc dầu; cấp, thoát nước;
+ Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
+ Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không được dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;
+ Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được phép sử dụng người lao động làm thêm ngoài giờ hành chính mà không cần phải thông qua ý kiến của họ và đảm bảo số giờ làm thêm.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ như thế nào?
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về cách tính tiền lương làm thêm giờ như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
...
Theo quy định trên thì tiền lương làm thêm giờ sẽ được tính như sau:
Tiền lương làm thêm giờ = (Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường) x (Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%) x (Số giờ làm thêm)
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Mẫu định mức lao động trong công ty chuẩn 2025 là mẫu nào?
- Trợ cấp thôi việc cho công chức bao nhiêu tháng lương?
- Chiến sĩ Dân quân tự vệ được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng mấy lần?
- Dân quân tự vệ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi có mấy lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở?