Khi nào nghỉ thai sản không được đóng BHXH?
Khi nào nghỉ thai sản không được đóng BHXH?
Tại khoản 6.1 và 6.2 Điều 42 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định như sau:
Quản lý đối tượng
...
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ghi trên sổ BHXH theo mức tiền lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
6.1. Trường hợp HĐLĐ hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi HĐLĐ hết thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết thời hạn không được tính là thời gian đóng BHXH.
6.2. Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng BHXH.
...
Theo quy định trên, trường hợp nghỉ thai sản không được tính là thời gian đóng BHXH khi thời gian nghỉ thai sản sau thời gian người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc.
Trường hợp trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trùng với thời gian chấm dứt hợp đồng lao động (hợp đồng lao động hết hạn).
Khi nào nghỉ thai sản không được đóng BHXH?
Lao động nữ hết thời gian nghỉ thai sản vẫn muốn xin nghỉ thêm ở nhà để chăm sóc con thì có được không?
Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ngay sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản mà trở lại làm việc, nếu trong 30 ngày đầu làm việc, sức khoẻ chưa phục hồi thì sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản từ 05 - 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hằng tuần), cụ thể được nghỉ:
- Tối đa 10 ngày: Lao động nữ sinh đôi trở lên.
- Tối đa 07 ngày: Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- Tối đa 05 ngày: Các trường hợp còn lại.
Như vậy lao động nữ có thể xin nghỉ thêm để dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản nhưng không qua thời gian quy định của pháp luật cho từng trường hợp.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ thai sản
…
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Theo đó, khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, tùy theo khoảng thời gian muốn nghỉ sau thai sản là dài hay ngắn mà người lao động có thể lựa chọn việc xin nghỉ dưỡng sức sau sinh hay thoả thuận với nhà sử dụng lao động để có thể nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian lâu hơn rồi mới quay trở lại làm việc.
Thời gian nghỉ thai sản có bị trừ phép năm hay không?
Tại khoản 7 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động
1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
...
Theo quy định trên, thời gian nghỉ thai sản được tính là thời gian làm việc và là căn cứ để tính phép năm. Vì vậy, khoảng thời gian mà lao động nữ nghỉ thai sản không bị trừ vào phép năm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?