Hồ sơ xin việc năm 2024 gồm những giấy tờ gì? Tải bộ hồ sơ xin việc ở đâu?
Hồ sơ xin việc được pháp luật quy định như thế nào?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP không có quy định về các giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ xin việc.
Trước đây, theo Điều 7 Nghị định 03/2014/NĐ-CP đã hết hiệu lực ngày 01/02/2021 có quy định về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động, cụ thể:
Thủ tục, trình tự tuyển lao động
...
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây:
a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
d) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, dù hiện nay pháp luật hiện hành không còn các quy định về hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động.
Nhưng người sử dụng lao động và người lao động có thể áp dụng tương tự các quy định nêu trên hoặc yêu cầu những giấy tờ khác phù hợp với điều kiện quản lý của cơ sở, yêu cầu của nhà tuyển dụng và đáp ứng các quy định khác theo pháp luật.
Hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?
Như phân tích ở trên, các giấy tờ trong hồ sơ xin việc sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của từng nhà tuyển dụng. Thông thường hồ sơ xin việc sẽ gồm những giấy tờ sau:
1. Đơn xin việc
Ứng viên có thể viết tay, đánh máy đơn xin việc hoặc mua mẫu đơn xin việc rồi điền thông tin.
Đơn xin việc thể hiện sự mong muốn được vào vị trí công việc ứng tuyển của ứng viên. Để được đánh giá cao thì người lao động nên viết đơn xin việc bằng tay.
2. Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân
3. Sơ yếu lý lịch có chứng thực
4. Bản sao bằng cấp có chứng thực
5. Giấy khám sức khỏe còn thời hạn
Trong hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng yêu cầu giấy khám sức khỏe để kiểm tra xem ứng viên có đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe với vị trí mà mình muốn tuyển dụng hay không?
Hiện nay, mẫu giấy khám sức khỏe được quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BYT, cụ thể:
- Mẫu giấy khám sức khỏe đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Mẫu giấy khám sức khỏe đối với người chưa đủ 18 tuổi;
- Mẫu giấy khám sức khỏe đối với người mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Mẫu giấy khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe định kỳ.
6. Hình 3x4 và hình toàn thân
Nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên nộp thêm hình 3x4 và có thể gồm cả hình toàn thân. Việc nộp hình là để nhà tuyển dụng thêm hình ảnh vào phần hồ sơ của nhân viên để tiện theo dõi, quản lý.
7. CV xin việc
8. Các bằng cấp, giấy tờ khác
Ngoài bằng cấp thì trong hồ sơ xin việc của ứng viên có thể nộp thêm một số loại giấy tờ như bảng điểm, chứng chỉ tin học (như MOS, IC3), chứng chỉ ngoại ngữ (6 bậc hoặc Toiec, ielts),…
Tải trọn bộ hồ sơ xin việc đầy đủ: Tải về
Nghĩa vụ đối với việc cung cấp thông tin của người lao động khi nộp hồ sơ xin việc là gì?
Căn cứ theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Hiện nay pháp luật không có quy định về hạn chế hoặc điều chỉnh về các thông tin mà người lao động kê khai trong hồ sơ xin việc. Tuy nhiên khi người lao động cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động để giao kết hợp đồng lao động thì cần phải là thông tin chính xác, trung thực theo quy định pháp luật.
Chứng thực hồ sơ xin việc ở đâu?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về địa điểm chứng thực như sau:
Địa điểm chứng thực
1. Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
2. Khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thực; trường hợp chứng thực ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực.
3. Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải bố trí người tiếp nhận yêu cầu chứng thực các ngày làm việc trong tuần; phải niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí, chi phí chứng thực tại trụ sở của cơ quan, tổ chức.
Theo đó người lao động có thể đi chứng thực hồ sơ xin việc tại:
- Uỷ ban nhân dân cấp xã;
- Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;
- Phòng tư pháp cấp huyện.
Lưu ý: Người làm hồ sơ xin việc có thể đến các cơ quan, tổ chức này ở bất kỳ địa phương nào để chứng thực mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu (căn cứ khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?