Điều kiện để trả lương thông qua người cai thầu là gì?
Trả lương thông qua người cai thầu là gì?
Trả lương thông qua người cai thầu là trả lương thông qua khâu trung gian, người cai thầu thay mặt trả lương cho người lao động nhưng người sử dụng lao động vẫn là chủ chính, phải chịu trách nhiệm về việc trả lương này với vai trò bên người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
Trong kinh tế thị trường, việc sử dụng người cai thầu và trả lương thông qua người cai thầu khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nông, lâm nghiệp.
Người cai thầu đóng vai trò trung gian giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng tính chất trung gian ở đây không phải mang tính kết nối mà thể hiện vai trò thay người sử dụng trong việc đứng ra quản lý, điều hành và bảo đảm các quyền lợi trực tiếp cho người lao động.
Tuy nhiên, do tính chất trung gian này nên trong thực tế nhiều trường hợp có sự vụ lợi từ phía người cai thầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền lợi của người lao động. Nhưng khi có tranh chấp phát sinh thì những người cai thầu này lại không phải là chủ thể trực tiếp trong quan hệ lao động.
Do đó, Bộ luật Lao động 2019 đã có quy định để giải quyết về vấn đề này.
Điều kiện để trả lương thông qua người cai thầu là gì? (Hình từ Internet)
Điều kiện để trả lương thông qua người cai thầu là gì?
Tại khoản 1 Điều 100 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trả lương thông qua người cai thầu như sau:
Trả lương thông qua người cai thầu
1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.
...
Theo quy định trên, bất kỳ nơi nào mà khi người sử dụng lao động có sử dụng cai thầu thì người cai thầu cũng có thể thực hiện trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động muốn sử dụng người cai thầu thì cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Người sử dụng lao động phải có được danh sách và địa chỉ của những người cai thầu.
- Người sử dụng lao động phải có được danh sách và thông tin cơ bản của những người lao động làm việc với người cai thầu.
- Người sử dụng lao động phải bảo đảm việc người cai thầu tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.
Để đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động thì người sử dụng lao động cần nắm bắt thông tin này và có ý nghĩa rất lớn đối với cả người sử dụng lao động và người lao động.
Do đó, để tránh các trường hợp người cai thầu lập danh sách giả về người lao động, thêm, bớt tên người lao động để hưởng lợi hoặc lập danh sách giả về tên, địa chỉ, thông tin của mình nhằm lừa đảo người sử dụng lao động cho nên người sử dụng lao động phải có được các thông tin cần thiết và xác thực các thông tin đó để biết được số tiền lương mình phải trả cho đúng người lao động.
Người sử dụng lao động phải làm sao nếu người cai thầu trả lương không đầy đủ cho người lao động?
Tại khoản 2 Điều 100 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trả lương thông qua người cai thầu như sau:
Trả lương thông qua người cai thầu
...
2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, trong trường hợp người sử dụng lao động trả lương thông qua người cai thầu nhưng người cai thầu trả lương không đầy đủ thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.
Đây chính là quy định theo cơ chế ưu tiên bảo đảm các quyền lợi chính đáng đối với người lao động trước theo quy định của pháp luật lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động là chủ chính có trách nhiệm thanh toán khoản tiền lương mà người cai thầu trả thiếu cho người lao động để đảm bảo quyền lợi mà lẽ ra người lao động được nhận.
Đồng thời, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?