Công ty từ chối tuyển dụng người lao động có tiền án tiền sự có bị xử phạt không?
Công ty từ chối tuyển dụng người lao động có tiền án tiền sự có bị xử phạt không?
Khi nói đến người lao động có tiền án, tiền sự, đây là những cá nhân đã từng bị kết án hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước đó. Người có tiền án, tiền sự có thể bị hạn chế trong việc tham gia một số ngành nghề nhất định, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực đều áp dụng quy định này.
Theo Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
Bên cạnh đó, Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định những hành vị bị pháp luật nghiêm cấm trong lao động bao gồm:
- Phân biệt đối xử trong lao động.
- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.
Theo đó, khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 định nghĩa hành vi phân biệt đối xử trong lao động như sau:
Giải thích từ ngữ
...
8. Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
...
Căn cứ theo các quy định trên, nếu người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng chỉ dựa trên việc người lao động có tiền án, tiền sự mà không xem xét đến khả năng, trình độ và tính chất công việc, thì hành vi này có thể được coi là phân biệt đối xử bởi vì hành động này ảnh hưởng nguyên tắc bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp và nguyên tắc về bình đẳng trong giao kết hợp đồng lao động.
Do đó, trường hợp công ty từ chối tuyển dụng người lao động có tiền án, tiền sự có thể được coi là hành vi phân biệt đối xử trong lao động nếu không có lý do chính đáng và hợp lý.
Vì hành vi phân biệt đối xử trong lao động là hành vi pháp luật nghiêm cấm, nên công ty sẽ bị xử phạt hành chính nếu vi phạm quy định này.
Công ty từ chối tuyển dụng người lao động có tiền án tiền sự có bị xử phạt không?
Công ty từ chối tuyển dụng người lao động có tiền án tiền sự phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
...
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
b) Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
d) Không lập sổ quản lý lao động hoặc lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật.
...
Chiếu theo quy định trên, người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử trong lao động sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng, trừ các trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là tổ chức như công ty, doanh nghiệp thì mức phạt sẽ gấp 02 (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Người sử dụng lao động được giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động có tiền án tiền sự để làm tin không?
Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động không được thực hiện các hành vi sau đây khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, hay văn bằng, chứng chỉ của người lao động để làm tin khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, để phục vụ cho việc lưu trữ hồ sơ người lao động, người sử dụng lao động có thể giữ bản photo, bản sao giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Các mẫu hợp đồng lao động 2025 chuẩn nhất cho doanh nghiệp và người lao động phải đảm bảo những nội dung nào?
- Chốt thời điểm cho ý kiến cải cách tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội trong Báo cáo của Chính phủ năm 2025 chưa?
- Trong năm 2025, nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và địa phương đến hết năm 2024 còn dư được sử dụng để làm gì?