Có bắt buộc bố trí công việc khác cho người bị tai nạn lao động?
Người bị tai nạn lao động được hiểu như thế nào?
Theo giải thích thuật ngữ tại Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì:
Giải thích từ ngữ
…
8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Vậy, người bị tai nạn lao động là những người trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động mà gặp tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động.
Có bắt buộc bố trí công việc khác cho người bị tai nạn lao động? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc bố trí công việc khác cho người bị tai nạn lao động?
Tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.
Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.
Tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng có quy định:
Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:
…
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Chưa hết, quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định thêm:
Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
…
4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
Quản lý sức khỏe người lao động
1. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe để sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động.
Và khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có đề cập:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
…
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
Như vậy, người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác cho người bị tai nạn lao động nếu sức khỏe của họ không đáp ứng được công việc cũ hoặc người lao động có yêu cầu. Việc bố trí công việc khác sẽ được sắp xếp phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động.
Mức phạt đối với các tổ chức không thực hiện việc bố trí công việc khác cho người bị tai nạn lao động?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định phòng ngừa tai nạn lao động như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động;
b) Không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP còn quy định:
Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy mức phạt đối với các tổ chức không thực hiện việc bố trí công việc phù hợp cho người bị tai nạn lao động là 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Lễ Tạ Ơn 2024 là ngày mấy? Lễ Tạ Ơn có những hoạt động gì? Ở Việt Nam, người lao động có được nghỉ làm vào ngày Lễ Tạ Ơn không?
- Cyber Monday là gì? Cyber Monday 2024 diễn ra vào ngày nào? Năm 2024, người lao động còn những ngày nghỉ lễ nào?
- Thứ 5 cuối cùng của tháng 11 có sự kiện đặc biệt gì? Tháng 11 người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?
- Đã có thông báo về mức lương cơ sở mới của của đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước tác động kinh tế vĩ mô thế nào?