Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bị xử phạt như thế nào?
Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động có phải hành vi bị nghiêm cấm?
Căn cứ Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó có 08 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Trong đó bao gồm hành vi người sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
...
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng;
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
...
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy người sử dụng lao động có hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền:
+ Từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.
+ Từ 24% đến 30% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
+ Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chiếm dụng tiền đóng.
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên.
Người sử dụng lao động có quyền gì trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội?
Căn cứ Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người sử dụng lao động như sau:
Quyền của người sử dụng lao động
1. Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Theo đó người sử dụng lao động có quyền từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?