Chi tiết 06 bước đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản VssID như thế nào?
Chi tiết 06 bước đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản VssID như thế nào?
Người hưởng chế độ hưu trí có thể thay đổi hình thức nhận lương thông qua ứng dụng VssID. Người nhận lương hưu có thể đăng ký tài khoản VssID để nhận lương hưu với 06 bước sau đây:
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID.
Tại màn hình Quản lý cá nhân, vào mục Dịch vụ công.
Bước 2: Chọn mục "Thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độ BHXH".
Bước 3: Nhập thông tin bắt buộc (có dấu sao màu đỏ), tại mục Hình thức nhận chọn Nhận qua tài khoản. Nhập số tài khoản ngân hàng và tên ngân hàng (ghi rõ tên chi nhánh ngân hàng) mà người hưởng muốn nhận, bấm Gửi.
Lưu ý: Thông tin người đăng ký trên ứng dụng VssID phải trùng khớp với chủ tài khoản ngân hàng đã kê khai tại mục này (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, số CMND/CCCD).
Bước 4: BHXH Việt Nam sẽ gửi mã OTP về số điện thoại của người hưởng.
Bước 5: Nhập mã OTP trên ứng dụng bấm Xác nhận.
Bước 6: BHXH Việt Nam sẽ gửi tin nhắn đến điện thoại người dùng, thông báo tài khoản cá nhân đã nộp hồ sơ thành công.
Ngoài cách đăng ký trên, người dùng có thể đăng ký nhận lương, nhận cấp qua tài khoản bằng cách liên hệ trực tiếp cơ quan BHXH tỉnh; BHXH huyện, thị xã nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, hoặc đăng ký tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.
Chi tiết 06 bước đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản VssID như thế nào? (Hình từ Internet)
Người lao động nào thuộc đối tượng được áp dụng chế độ hưu trí?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đều bao gồm chế độ hưu trí, cụ thể:
- Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Căn cứ theo Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng áp dụng chế độ hưu trí như sau:
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí
Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Như vậy, người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ hưu trí gồm những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí là khi nào?
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí như sau:
Thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí
1. Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Thời điểm hưởng chế độ hưu trí là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
3. Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí.
Theo đó, thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí được quy định như sau:
- Thời điểm nghỉ hưu: là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trong trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Thời điểm hưởng chế độ hưu trí: là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Lưu ý: Trong trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí của người lao động.
- Ngày 3 12 là ngày gì? NLĐ khuyết tật có được nghỉ vào ngày này không?
- Đã có lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 cho người lao động chi tiết: Có chi trả chậm trễ không?
- Chính thức lịch chi trả lương hưu tháng 12 2024 chi tiết? Có sự điều chỉnh lịch chi trả lương hưu tháng 12 như thế nào?
- Chốt lùi lịch chi trả lương hưu tháng 12 năm 2024 sang 02 ngày đối với hình thức chi trả bằng tiền mặt cho người nghỉ hưu tại TPHCM, cụ thể ra sao?
- Black Friday là thứ mấy? Trong tháng 11 2024 có ngày lễ lớn nào NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?