Cách tính lương hưu khi có nhiều giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể ra sao?
Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động hiện nay được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam, và tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.
Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động được thực hiện theo bảng dưới đây:
Lưu ý:
- Độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường.
- Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Cách tính lương hưu khi có nhiều giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể ra sao? (Hình từ Internet)
Cách tính lương hưu khi có nhiều giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể ra sao?
Theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu:
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Nếu người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chung của các thời gian.
Trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu, cụ thể như sau:
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/1995, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Nếu bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi, người lao động sẽ tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Lưu ý: Trường hợp chưa đủ số năm quy định như đã nêu thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Ví dụ: Ông A đã đóng BHXH được 18 năm. Từ tháng 01/2005 đến hết tháng 12/2012, ông A đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định, từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2023 đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định. Ông A cũng đã đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho 2 năm còn thiếu. Vậy, mức lương hưu của ông A được tính như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được tính như sau:
- Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, giai đoạn đóng BHXH theo tiền lương do Nhà nước quy định từ tháng 01/2005 đến hết tháng 12/2012 thì lấy bình quân 8 năm cuối đóng BHXH của giai đoạn này để tính lương đại diện cho khu vực Nhà nước. Sau đó, lấy mức bình quân tiền lương này nhân với tổng số tháng đóng BHXH của giai đoạn này, cụ thể:
Tổng lương đóng BHXH giai đoạn 01/2005 - 12/2012 = Tổng số tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH giai đoạn 01/2005 - 12/2012 = A
Tiền lương đóng BHXH được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng do Chính phủ quy định theo quy định tại Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Giai đoạn đóng BHXH theo tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2023 thì lấy tổng tiền lương đóng BHXH của giai đoạn 01/2013 - 12/2023 = B.
Tiền lương đóng BHXH được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng do Chính phủ quy định theo quy định tại Điều 63 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Căn cứ quy định tại Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, với giai đoạn đóng BHXH tự nguyện thì lấy tổng thu nhập đóng BHXH tự nguyện. Thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng do Chính phủ quy định = C
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo hệ số trượt giá được ban hành tại thời điểm hưởng. Cụ thể:
Tiền lương tháng đóng BHXH (đã được điều chỉnh) của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Hệ số trượt giá của từng năm tương ứng
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, mức lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu của ông A được tính như sau:
Mức lương bình quân = (A + B + C)/ 240 tháng = D.
Giả sử ông A đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2024 thì tính lương hưu của ông A theo công thức:
Mức hưởng lương hưu = D x Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động được tính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP về cách xác định tỷ lệ hưởng lương hưu để tính lương hưu hằng tháng như sau:
(1) Về hưu trước ngày 01/01/2018
Nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%
Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 3%
(2) Về hưu từ ngày 01/01/2018
- Đối với lao động nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%
- Đối với lao động nam:
+ Về hưu từ 01/01/2018: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 16 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2019: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 17 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2020: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 18 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2021: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 19 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2022: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 20 năm) x 2%.
Lưu ý: Tỷ lệ không vượt quá 75%
Lưu ý: Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về cải cách tiền lương toàn bộ cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang dự toán ngân sách như thế nào?
- Chính thức hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo cho cán bộ công chức viên chức và LLVT chuyển xếp lương ra sao?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025, lịch nghỉ tết Âm lịch 2025 chính thức của người lao động do Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thế nào?
- Chính thức quyết định thưởng Tết 2025 cho người lao động của doanh nghiệp sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc đúng không?