Bao lâu thì binh sĩ xuất ngũ? Binh sĩ xuất ngũ được nhận những khoản tiền nào?
Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của binh sĩ là bao lâu?
Tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định:
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Theo đó, thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của binh sĩ là 24 tháng và có thể kéo dài không quá 06 tháng nếu thuộc các trường hợp được quy định nêu trên.
Bao lâu thì binh sĩ xuất ngũ? Binh sĩ xuất ngũ được nhận những khoản tiền nào? (Hình từ Internet)
Bao lâu thì binh sĩ xuất ngũ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, binh sĩ xuất ngũ khi đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ, tức là đã hết thời hạn 24 tháng hoặc 30 tháng (đối với trường hợp được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ);
Ngoài ra, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ;
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận;
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Như vậy, thông thường hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ được xuất ngũ đúng thời hạn khi đã phục vụ tại ngũ đủ 24 tháng.
Binh sĩ xuất ngũ được nhận những khoản tiền nào?
Tại Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP có quy định về những khoản tiền mà binh sĩ xuất ngũ được nhận như sau:
Chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ
1. Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội một lần được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ; từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở; từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
3. Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ.
4. Hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người; được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Theo đó, binh sĩ xuất ngũ được hưởng các khoản tiền sau:
(1) Bảo hiểm xã hội một lần
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chiến sĩ quân đội nhân dân phục vụ có thời hạn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ nếu có nhu cầu.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội: Mỗi năm được 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
(2) Trợ cấp xuất ngũ một lần
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BQP, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội, binh sĩ sẽ được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở, cụ thể:
Trợ cấp xuất ngũ một lần = Số năm phục vụ tại ngũ x 02 tháng tiền lương cơ sở
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ;
- Từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng: Trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở;
- Từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng: Trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Lương cơ sở trước 01/7/2023 đang áp dụng ở mức 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Từ 01/7/2023 sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới là 1.800.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP.
Do đó, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ 02 năm thì sau khi xuất ngũ sẽ nhận được tiền trợ cấp xuất ngũ một lần như sau:
2 x 2 x mức lương cơ sở
Như vậy, nếu xuất ngũ trước 01/7/2023: thì quân nhân được nhận 2 x 2 x 1,490,000 = 5,960,000 đồng
Nếu xuất ngũ từ 01/7/2023 – 31/12/2023, quân nhân được nhận 2 x 2 x 1,800,000 = 7,200,000 đồng
(3) Trợ cấp tạo việc làm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
Như vậy, nếu xuất ngũ trước 01/7/2023: hạ sĩ quan, binh sĩ được nhận 1,490,000 x 6 = 8,940,000 đồng
Nếu xuất ngũ từ 01/7/2023 – 31/12/2023, hạ sĩ quan, binh sĩ được nhận 1,800,000 x 6 = 10,800,000 đồng
Lưu ý:
- Trường hợp, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng;
- Trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Ngoài các khoản nêu trên, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ với mức chi 50.000 đồng/người, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?
- Chính thức từ ngày 7/2/2025, cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang trong năm 2025 được thu từ những nguồn nào của địa phương?
- Mẫu giấy xác nhận công tác dùng để làm gì? Tải mẫu ở đâu?
- Những loại hợp đồng lao động nào được pháp luật Việt Nam công nhận?