Ban trọng tài lao động được thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì có được phép tiến hành đình công không?
- Trong trường hợp nào ban trọng tài lao động sẽ được thành lập?
- Ban trọng tài lao động được thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì có được phép tiến hành đình công không?
- Trước khi tiến hành đình công có phải lấy ý kiến của người lao động không?
- Được tiến hành đình công khi có bao nhiêu người lao động đồng ý?
Trong trường hợp nào ban trọng tài lao động sẽ được thành lập?
Căn cứ khoản 4 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hội đồng trọng tài lao động
...
4. Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điều 189, 193 và 197 của Bộ luật này, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp như sau:
a) Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
b) Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn theo quy định tại điểm a khoản này thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
c) Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
...
Như vậy, theo quy định trên thì Ban trọng tài lao động được thành lập khi có yêu cầu giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền hay tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động.
Ban trọng tài lao động được thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì có được phép tiến hành đình công không? (Hình từ Internet)
Ban trọng tài lao động được thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì có được phép tiến hành đình công không?
Căn cứ Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Trường hợp người lao động có quyền đình công
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Theo quy định trên, trường hợp ban trọng tài lao động được thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành đình công theo thủ tục.
Trước khi tiến hành đình công có phải lấy ý kiến của người lao động không?
Căn cứ Điều 201 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Lấy ý kiến về đình công
1. Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 198 của Bộ luật này có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.
2. Nội dung lấy ý kiến bao gồm:
a) Đồng ý hay không đồng ý đình công;
b) Phương án của tổ chức đại diện người lao động về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 của Bộ luật này.
3. Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.
4. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.
Như vậy, trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.
Được tiến hành đình công khi có bao nhiêu người lao động đồng ý?
Căn cứ Điều 202 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công
1. Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công theo quy định tại khoản 2 Điều 201 của Bộ luật này thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.
2. Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:
a) Kết quả lấy ý kiến đình công;
b) Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
c) Phạm vi tiến hành đình công;
d) Yêu cầu của người lao động;
đ) Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
3. Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
Như vậy, khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với quyết định tiến hành đình công thì tổ chức đại diện người lao động được tiến hành đình công.
- Từ 7/2/2025, thực hiện cải cách tiền lương cho CBCCVC và lực lượng vũ trang, các bộ, cơ quan trung ương khi phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải tiết kiệm bao nhiêu phần trăm số chi thường xuyên?
- Công chức biệt phái, luân chuyển được hưởng chế độ chính sách ra sao?
- Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng quân sự của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã tính từ ngày nào?
- Gửi Bộ Nội vụ kế hoạch biên chế công chức hằng năm chậm nhất ngày 15/6 đúng không?
- Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập cho đến nay đã đổi tên mấy lần? Những điều CBCCVC là đảng viên không được làm là gì?