Bản tóm tắt trình độ học vấn và kinh nghiệm là gì? Làm giả thông tin xin việc người lao động bị xử lý thế nào?
Bản tóm tắt trình độ học vấn và kinh nghiệm là gì?
Bản tóm tắt trình độ học vấn và kinh nghiệm, thường được gọi là sơ yếu lý lịch (Resume hoặc CV), là tài liệu mà ứng viên sử dụng để giới thiệu về bản thân khi xin việc. Nó bao gồm các thông tin chính như:
1. Thông tin cá nhân: Tên, địa chỉ, số điện thoại, email.
2. Mục tiêu nghề nghiệp: Mục tiêu và định hướng nghề nghiệp của bạn.
3. Trình độ học vấn: Các bằng cấp, chứng chỉ, và các khóa học đã hoàn thành.
4. Kinh nghiệm làm việc: Các công việc đã làm trước đây, bao gồm tên công ty, vị trí, thời gian làm việc, và mô tả công việc.
5. Kỹ năng: Các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm mà bạn có.
6. Thành tựu: Những thành tựu nổi bật trong quá trình học tập và làm việc.
7. Hoạt động ngoại khóa: Các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ, hoặc dự án cá nhân.
Sơ yếu lý lịch giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về năng lực và kinh nghiệm của bạn, từ đó đánh giá sự phù hợp với vị trí tuyển dụng.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Bản tóm tắt trình độ học vấn và kinh nghiệm là gì? Làm giả thông tin xin việc người lao động bị xử lý thế nào?
03 cách có thể tuyển dụng lao động là những cách nào?
Căn cứ Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuyển dụng lao động, cụ thể như sau:
Tuyển dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng lao động theo nhu cầu thông qua 03 cách sau:
- Trực tiếp tuyển dụng.
- Thông qua tổ chức dịch vụ việc làm.
- Thông qua doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động.
Làm giả thông tin xin việc người lao động bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Theo đó, người lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách trung thực cho người sử dụng lao động trước khi ký hợp đồng lao động.
Trường hợp cung cấp thông tin không đúng sự thật, làm giả hồ sơ xin việc, người lao động sẽ có thể phải đối mặt với những vấn đề sau:
- Bị xử lý kỷ luật lao động nếu thông tin được cung cấp sai sự thật nhưng không quá ảnh hưởng đến việc tuyển dụng và thuộc một trong các hành vi vi phạm nội quy lao động đã được công ty quy định.
Trường hợp này, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các hình thức kỷ luật được quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức.
- Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Theo điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.
Tuy nhiên, để chấm dứt hợp đồng lao động theo lý do này, công ty vẫn cần báo trước cho người lao động biết theo thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Bị phạt vi phạm hành chính
Rất nhiều giấy tờ trong hồ sơ xin việc được yêu cầu phải chứng thực. Do đó, nếu người lao động có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao thì sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
- Bị xử lý hình sự
Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người lao động sử dụng hồ sơ giả để đi xin việc (bằng cấp, giấy tờ, chứng chỉ) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tùy theo tính chất vụ việc mà mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ khác nhau, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Nếu nghiêm trọng hơn, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng và cao nhất lên đến 07 năm tù. Đồng thời, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cho hành vi vi phạm của mình.
Hiện nay ai có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm cho người lao động?
Căn cứ Điều 9 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Việc làm, giải quyết việc làm
1. Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm.
2. Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.
Theo đó, Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm.
- Kỷ luật cảnh cáo cán bộ có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nào?
- Ngày 4 12 là ngày gì? Người lao động được nghỉ làm vào ngày này không?
- 3 12 là ngày gì trong tình yêu? Ngày này là ngày nghỉ làm của người lao động đúng không?
- 4 12 ngày Quốc tế Ôm tự do đúng không? Đây có phải ngày nghỉ lễ của Việt Nam hay không?
- Chi tiết lương hưu tháng 12 năm 2024 thực nhận trên mức tăng 15% là bao nhiêu?