(PLO)-Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo.
Em họ tôi có quen người bạn trai ở nước ngoài qua giới thiệu của người quen. Giờ em ấy định làm thủ tục đăng ký kết hôn với người này thì sợ khi phỏng vấn bị rớt vì mới quen biết nhau qua người giới thiệu. Pháp luật có quy định cụ thể trường hợp nào bị từ chối đăng ký kết hôn?
Lan Tran ([email protected])
Theo Điều 23 Nghị định 126 của Chính phủ ngày 31-12-2014, Sở Tư pháp có trách nhiệm phỏng vấn trực tiếp hai bên nam, nữ tại trụ sở Sở Tư pháp để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết của hai bên nam, nữ về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
Tại Điều 26 Nghị định trên quy định về việc từ chối đăng ký kết hôn như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn từ chối đăng ký kết hôn trong các trường hợp sau đây:
a) Một hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam;
b) Bên công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân;
c) Bên nam, bên nữ không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
2. Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Như vậy, bạn và người em họ có thể tham khảo các trường hợp bị từ chối đăng ký kêt hôn theo quy định nêu trên.