Hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính bị phạt bao nhiêu tiền?
Hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 26 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 26. Vi phạm quy định về quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp di chuyển, làm sai lệch mốc địa giới đơn vị hành chính.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân (trừ khoản 4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định này). Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
3. Việc xác định mức phạt cụ thể căn cứ vào mức phạt của từng hành vi quy định tại Nghị định này và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Mức phạt tiền theo thẩm quyền quy định tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định này được áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền theo thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
[...]
Theo đó, người có hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Hành vi làm hư hỏng mốc địa giới đơn vị hành chính bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Cấp nào quyết định điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã?
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 245 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 129. Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính
1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
3. Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Theo quy định này, thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 20 Luật Đất đai 2024, có 18 nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:
- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
- Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
- Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
- Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
- Quản lý tài chính về đất đai.
- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
- Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
- Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
- Thống kê, kiểm kê đất đai.
- Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
- Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
- Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
- Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài vè về thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 ý nghĩa, hay nhất 2024?
- Lịch nghỉ Tết âm lịch 2025: Nghỉ liên tiếp 09 ngày đúng không?
- Công chức xin thôi việc theo nguyện vọng có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
- Đỉnh Fansipan ở tỉnh nào? Fansipan cao bao nhiêu mét? Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 đón bao nhiêu triệu lượt khách du lịch?
- Bài phát biểu ngày 20 11 của phụ huynh mới nhất năm 2024?