Cách ghi mẫu PC18 phương án chữa cháy của cơ quan công an theo Nghị định 50/2024?
Cách ghi mẫu PC18 phương án chữa cháy của cơ quan công an theo Nghị định 50/2024?
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 50/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.
2. Quy định chuyển tiếp
....
đ) Phương án chữa cháy của cơ sở, phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ sở, phương án chữa cháy của cơ quan Công an, phương án cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã được xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu không có sự thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì tiếp tục được sử dụng, không phải xây dựng và phê duyệt lại;
...
Như vậy, mẫu phương án chữa cháy của cơ quan công an là Mẫu PC18 được quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP, mẫu có dạng như sau:
Tải mẫu PC18 phương án chữa cháy của cơ quan công an mới nhất 2024
Cách ghi phương án chữa cháy của cơ quan công an 2024 như sau:
Chú ý: phương án chữa cháy có thể thay đổi số lượng trang để phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm và số lượng tình huống giả định trong phương án chữa cháy.
(1) Ghi “Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH” hoặc tên Công an cấp huyện xây dựng phương án chữa cháy.
(2) Ghi tên của cơ sở/khu dân cư theo tên giao dịch hành chính.
(3) Sơ đồ mặt bằng tổng thể: cần thể hiện rõ tên gọi của các hạng mục, nhà, đường giao thông, nguồn nước trong cơ sở/khu dân cư và các nguồn nước chữa cháy tiếp giáp xung quanh. Sơ đồ vẽ trên khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(4) Vị trí cơ sở/khu dân cư: ghi rõ tên các cơ sở, công trình, đường phố, sông, hồ tiếp giáp theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
(5) Giao thông bên trong và bên ngoài: ghi rõ các tuyến đường và khoảng cách từ cơ quan Công an được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến cơ sở/khu dân cư; các tuyến đường bên trong và bên ngoài cơ sở/khu dân cư mà các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới hoạt động, tiếp cận được.
(6) Nguồn nước phục vụ chữa cháy: thống kê các nguồn nước ở bên trong, bên ngoài cơ sở có thể phục vụ chữa cháy như: bể, hồ, ao, sông, ngòi, kênh, rạch, trụ, bến lấy nước, hố lấy nước…, ghi rõ khả năng lấy nước vào các mùa, thời điểm trong ngày; chỉ dẫn vị trí, khoảng cách tới các nguồn nước ở bên ngoài.
(7) Tính chất, đặc điểm có liên quan đến công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: nêu khái quát đặc điểm kiến trúc, xây dựng của các hạng mục công trình (số hạng mục, số tầng, bậc chịu lửa, diện tích mặt bằng, loại vật liệu của các cấu kiện xây dựng chủ yếu như tường, cột, trần, sàn, mái…); số người thường xuyên có mặt trong các hạng mục công trình; tính chất hoạt động, công năng sử dụng của các hạng mục công trình liên quan đến nguy hiểm cháy, nổ, độc, sự cố, tai nạn; đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của các chất cháy chủ yếu (loại chất cháy, vị trí bố trí, sắp xếp, số lượng, khối lượng, vận tốc cháy, đặc điểm cháy, yếu tố độc hại khi cháy, khả năng cháy lan ra khu vực xung quanh); các loại nguồn nhiệt có khả năng phát sinh gây cháy (lửa trần, sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, sự cố kỹ thuật...); dự báo, đánh giá các nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người, phương tiện, tài sản khi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn.
(8) Tổ chức lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ: nêu tình hình tổ chức, số lượng đội viên và số người đã qua huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Số người thường trực trong và ngoài giờ làm việc.
(9) Phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ: thống kê chủng loại, số lượng, vị trí bố trí phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hệ thống chữa cháy được trang bị tại cơ sở… (chỉ thống kê những phương tiện, thiết bị, dụng cụ có khả năng sử dụng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ).
(10) Giả định tình huống cháy phức tạp nhất: giả định tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý, trong đó giả định cụ thể về thời gian, địa điểm xảy ra cháy (có thể vào ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc, việc phát hiện và báo cháy muộn); điểm xuất phát cháy và nguyên nhân, tình trạng sau khi xảy ra; loại chất cháy chủ yếu, thời gian cháy tự do; quy mô, diện tích đám cháy tại thời điểm phát hiện cháy; dự kiến khả năng phát triển của đám cháy và những yếu tố ảnh hưởng tới công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như: nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc, sụp đổ công trình...; dự kiến vị trí và số lượng người bị nạn trong khu vực cháy.
(11) Chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: căn cứ vào giả định quy mô, diện tích, loại hình, tính chất, đặc điểm của đám cháy, chất cháy chủ yếu, dạng phát triển của đám cháy và khả năng huy động lực lượng, phương tiện để đề ra chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp, biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp, công tác tổ chức hướng dẫn thoát nạn và tổ chức cứu người, cứu và di chuyển phương tiện, tài sản; bảo đảm hậu cần; tổ chức thông tin liên lạc và thực hiện các hoạt động phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác.
(12) Tính toán lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: trên cơ sở áp dụng chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với tình huống cháy giả định, tính toán số lượng lực lượng, phương tiện, chất chữa cháy cần thiết để trực tiếp triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (tổ chức trinh sát, cứu người, hướng dẫn thoát nạn; triển khai chữa cháy, làm mát, phá dỡ ngăn chặn cháy lan; cấp nước chữa cháy, cứu tài sản...) và lực lượng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông, y tế, điện lực, cấp nước, phá dỡ, hậu cần...).
(13) Bảng thống kê lực lượng, phương tiện dự kiến huy động: căn cứ vào kết quả tính toán, dự kiến lực lượng, phương tiện ở Mục (12) để ghi vào bảng thống kê lực lượng, phương tiện của cơ quan Công an và các đơn vị, cơ quan, tổ chức tại địa phương tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp lực lượng, phương tiện hiện có tại địa phương chưa đáp ứng đủ theo tính toán tại Mục (12) thì phải ghi vào bảng thống kê lực lượng, phương tiện dự kiến huy động của Công an các địa phương lân cận tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng đủ theo tính toán đối với tình huống này.
(14) Nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ: ghi tóm tắt nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ phân công cho người chỉ huy và lực lượng tại chỗ, trong đó yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng nguồn điện; đặc điểm, diễn biến của đám cháy; chủng loại, số lượng chất cháy, các loại hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, độc hại có trong khu vực cháy; khả năng phát sinh nổ; nguồn nước chữa cháy tại chỗ; tham gia bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra nguyên nhân và khắc phục hậu quả vụ cháy.
(15) Nhiệm vụ của cơ quan Công an: nêu rõ nhiệm vụ, vai trò của chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin về vụ cháy, tổ chức điều động, huy động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Khi xác định đám cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, kéo dài, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải kịp thời đề xuất người có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đề xuất thành lập Ban chỉ huy, Ban tham mưu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xác định thành phần và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Khi đến hiện trường phải tổ chức chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định (tổ chức trinh sát đám cháy để nắm số lượng, vị trí và tình trạng người bị nạn, quy mô, diễn biến của đám cháy, các nguồn nước phục vụ chữa cháy; xác định khu vực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia; quyết định chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp, biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình lực lượng, phương tiện hiện có; kịp thời thông tin phối hợp với các lực lượng khác tham gia (bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông, y tế, điện lực, cấp nước, phá dỡ, hậu cần, thông tin liên lạc, chiếu sáng...). Trường hợp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ lâu dài phải bố trí thay cán bộ, chiến sĩ, bổ sung nhiên liệu, chất chữa cháy, thực phẩm... Khi kết thúc các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tổ chức thu hồi lực lượng, phương tiện, tập hợp thông tin, thống kê phục vụ xây dựng báo cáo; phối hợp bảo vệ hiện trường, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy.
(16) Nhiệm vụ của các lực lượng khác: ghi rõ nhiệm vụ cơ bản sẽ phân công cho các lực lượng được huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
(17) Sơ đồ bố trí lực lượng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: vẽ sơ đồ bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo từng giai đoạn chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, trong đó thể hiện hướng gió, các hạng mục công trình, đường giao thông, nguồn nước trực tiếp phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; điểm phát sinh cháy; quy mô, diện tích, hướng phát triển của đám cháy; vị trí người bị nạn; vị trí ban chỉ huy; hướng tấn công chính; trên sơ đồ thể hiện việc triển khai hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ… bằng các ký hiệu thống nhất theo quy định tại mẫu phương án này. Có bảng chú thích cụ thể phương tiện của các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trên sơ đồ.
Sơ đồ sử dụng khổ giấy A4 hoặc lớn hơn cho phù hợp.
(18) Phương án xử lý một số tình huống cháy, sự cố, tai nạn đặc trưng: đối với các cơ sở có các khu vực, hạng mục, công trình với tính chất hoạt động, công năng sử dụng tương tự nhau (như các nhà làm việc, văn phòng, nhà ăn, khu vực để xe, các phòng làm việc...) thì lựa chọn một khu vực, hạng mục, công trình đặc trưng làm tình huống giả định cháy, sự cố, tai nạn để xây dựng phương án xử lý. Các tình huống sắp xếp theo thứ tự “Tình huống 1, 2, 3…”, trong đó có tình huống cháy và tình huống sự cố, tai nạn (ngoài tình huống cháy), nội dung từng tình huống được nêu tóm tắt tương tự như đối với tình huống cháy, sự cố, tai nạn phức tạp nhất.
(19) Bổ sung, chỉnh lý phương án: nêu nội dung bổ sung, chỉnh lý trong phương án có liên quan đến việc tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cán bộ được giao việc bổ sung, chỉnh lý phương án và người có thẩm quyền phê duyệt phương án xác nhận việc bổ sung, chỉnh lý phương án (ký, ghi rõ cấp bậc, họ và tên).
(20) Theo dõi học và thực tập phương án: sau mỗi lần tổ chức học, thực tập phương án phải ghi lại thông tin cơ bản về lần học, thực tập phương án đó.
(21) Ghi chức vụ của Chỉ huy đơn vị xây dựng phương án, ký, ghi rõ cấp bậc, họ và tên.
(22) Ghi chức vụ của người có thẩm quyền phê duyệt phương án, ký và ghi rõ cấp bậc, họ và tên.
(23) Số: do cơ quan Công an ghi theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ Cảnh sát.
Cách ghi mẫu PC08 phương án chữa cháy của cơ quan công an theo Nghị định 50/2024? (Hình từ Internet)
Phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, phương án chữa cháy phải bảo đảm các yêu cầu và nội dung cơ bản như sau:
- Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;
- Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;
- Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;
- Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.
Năm 2024, cơ quan nào có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy?
Căn cứ khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy như sau:
Điều 13. Thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
.....
12. Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy:
a) Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); công trình có chiều cao trên 100 m; công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
b) Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
....
Như vậy, tùy vào từng dự án khác nhau, các cơ quan sau đây có thẩm quyền thẩm quyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy:
- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian này có tính để đánh giá xếp loại không?
- Từ 1/1/2025, tốc độ tối thiểu khi chạy xe trên đường cao tốc là 60 km/h?
- Trường hợp nào được áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất?
- Cử nhân luật có thể trở thành Cán bộ CSGT làm nhiệm vụ điều tra, xác minh giải quyết tai nạn giao thông không?
- Lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân năm 2025?