Chính sách mới trong tháng 5/2024 với cán bộ công chức viên chức?
Chính sách mới tháng 5/2024 với cán bộ công chức viên chức?
Sau đây là 04 chính sách mới trong tháng 5/2024 với cán bộ công chức viên chức:
1. Ban hành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới trong tháng 5/2024
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 về việc nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, trong tháng 5/2024 phải hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang.
2. Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan nhà nước
Nghị định 29/2024/NĐ-CP tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024.
Nghị định 29/2024/NĐ-CP áp dụng đối với các chức danh: tại Bộ, Tổng cục và tương đương thuộc Bộ, Sở và tương đương, cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Đảng và của pháp luật chuyên ngành; áp dụng quy định tại Nghị định này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. (Chi tiết tại Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP)
Tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm:
- Về chính trị tư tưởng;
- Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật;
- Về trình độ;
- Về năng lực và uy tín;
- Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác;
Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm.
3. Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập
Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ 15/5/2024
Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập, bao gồm: danh mục vị trí việc làm; bản mô tả vị trí việc làm; khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm các đại học, học viện, trường đại học) và trường cao đẳng sư phạm công lập (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
4. Hướng dẫn mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự
Thông tư 02/2024/TT-BTP quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 18/5/2024.
- Mã số ngạch công chức thi hành án dân sự
+ Chấp hành viên cao cấp - Mã số: 03.299;
+ Chấp hành viên trung cấp - Mã số: 03.300;
+ Chấp hành viên sơ cấp - Mã số: 03.301;
+ Thẩm tra viên cao cấp thi hành án - Mã số: 03.230;
+ Thẩm tra viên chính thi hành án - Mã số: 03.231;
+ Thẩm tra viên thi hành án - Mã số: 03.23;
+ Thư ký thi hành án - Mã số: 03.302;
+ Thư ký trung cấp thi hành án - Mã số: 03.303.
- Xếp lương đối với công chức chuyên ngành thi hành án dân sự từ 18/5/2024
Công chức chuyên ngành thi hành án dân sự được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 17/2013/NĐ-CP) như sau:
+ Ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A3, nhóm A3.1;
+ Ngạch Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1;
+ Ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại A1;
+ Ngạch Thư ký trung cấp thi hành án được áp dụng hệ số lương công chức loại B.
Thông tư 02/2024/TT-BTP thay thế Thông tư 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017, Thông tư 08/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020.
Chính sách mới trong tháng 5/2024 với cán bộ công chức viên chức? (Hình từ Internet)
Những việc cán bộ công chức không được làm?
Căn cứ theo Điều 18, Điều 19, Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ công chức không được làm như sau:
- Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ
+ Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
+ Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
+ Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
+ Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước
+ Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
+ Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
+ Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
- Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
Ngoài những việc không được làm quy định trên, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Viên chức không được làm những việc gì theo quy định?
Căn cứ Điều 19 Luật Viên chức 2010 quy định những việc viên chức không được làm như sau:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao;
- Gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
- Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
- Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
- Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?