Hợp đồng dầu khí là gì? Hợp đồng dầu khí có thời hạn tối đa bao nhiêu năm?
Hợp đồng dầu khí là gì?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Dầu khí 2022 quy định về hợp đồng dầu khí như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. Hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí.
4. Hợp đồng dầu khí là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu để tiến hành hoạt động dầu khí.
...
Như vậy, hợp đồng dầu khí là sự thỏa thuận bằng văn bản về việc tiến hành các hoạt động dầu khí bao gồm hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí, giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhà thầu.
Hợp đồng dầu khí là gì? Hợp đồng dầu khí có thời hạn tối đa bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Hợp đồng dầu khí có thời hạn tối đa bao nhiêu năm?
Căn cứ Điều 31 Luật Dầu khí 2022 quy định về thời hạn hợp đồng dầu khí như sau:
Điều 31. Thời hạn hợp đồng dầu khí
1. Thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 30 năm, trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí không quá 05 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với lô dầu khí trong danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm, trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí không quá 10 năm.
3. Thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn nhưng không quá 05 năm, thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn nhưng không quá 05 năm trên cơ sở chấp thuận của Bộ Công Thương, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
...
Như vậy, thời hạn hợp đồng dầu khí tối đa không quá 30 năm, trong đó, thời hạn giai đoạn tìm kiếm tối đa không quá 05 năm, ngoại trừ các lô dầu khí trong danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Thời hạn hợp đồng dầu khí đối với các lô dầu khí trong danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt tối đa không quá 35 năm, trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí không quá 10 năm.
Ngoài ra, thời hạn hợp đồng dầu khí, thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn tối đa không quá 05 năm.
Thủ tục thẩm định và phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định về thủ tục thẩm định và phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí.
Theo đó, thủ tục thẩm định và phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí để thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí. Hồ sơ bao gồm:
+ Tờ trình đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí;
+ Dự thảo hợp đồng dầu khí; bản giải trình các nội dung khác biệt giữa dự thảo hợp đồng dầu khí trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu và dự thảo hợp đồng dầu khí đã được thỏa thuận;
+ Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với tổ chức, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân tham gia hợp đồng dầu khí;
+ Thư bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh nhà thầu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc công ty mẹ của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh nhà thầu phát hành theo yêu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở kết quả đánh giá báo cáo tài chính của nhà thầu;
+ Tài liệu của nhà thầu hoặc từng nhà thầu trong liên danh, bao gồm: điều lệ công ty, báo cáo tài chính trong 03 năm gần nhất và các tài liệu pháp lý khác có liên quan làm cơ sở đàm phán hợp đồng dầu khí, bản sao kê khai nghĩa vụ thuế năm gần nhất trong trường hợp là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về thuế của Việt Nam.
+ Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.
Bước 2: Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Các bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến.
Bước 4: Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định nội dung hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, hồ sơ bao gồm:
+ Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí;
+ Bộ hồ sơ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nộp ở Bước 1 hợp lệ;
+ Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.
Bước 5: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí.
Bước 6: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu tiến hành ký kết hợp đồng dầu khí trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ,
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Đặt thiết bị báo động trong phòng vũ trường mà không phải thiết bị báo cháy nổ bị xử phạt bao nhiêu?
- Việt Nam đã có văn bản công nhận Dương lịch là lịch chính thức hay chưa?
- Danh mục loài thương phẩm của nghề khai thác thủy sản theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13981:2024?
- Từ ngày 01/01/2025, giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính như thế nào?