Tiệm vàng mua vàng miếng có được trừ tiền do hỏng vỏ nhựa hay không?
- Tiệm vàng mua vàng miếng có được trừ tiền do hỏng vỏ nhựa hay không?
- Tiệm vàng mua vàng miếng yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng là bao lâu?
Tiệm vàng mua vàng miếng có được trừ tiền do hỏng vỏ nhựa hay không?
Căn cứ quy định Điều 11 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại như sau:
Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại
1. Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào.
Như vậy, theo quy định thì trên nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại thì các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Trên thực tế thì tùy thuộc vào các chính sách của mỗi cửa hàng hoặc thương hiệu vàng bạc sẽ có cơ chế riêng đối với việc mua lại vàng là sản phẩm của mình.
Trường hợp chính sách của thương hiệu là vỏ nhựa bị hỏng thì sẽ phải trừ tiền khi mua lại sản phẩm vàng đó. Thì khi khách hàng mua vàng miếng hoặc bán vàng miếng phải tuân thủ theo chính sách được quy định của bên bán nếu được thỏa thuận trước.
Tuy nhiên theo quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng thì thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh.
Do đó nếu vỏ nhựa của vàng miếng bị hỏng do lỗi của thương nhân không đảm bảo chất lượng thì khi thu mua vàng miếng của thương hiệu mình lại không được trừ tiền của khách hàng.
Tiệm vàng mua vàng miếng có được trừ tiền do hỏng vỏ nhựa hay không? (Hình từ Internet)
Tiệm vàng mua vàng miếng yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ quy định Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP bị bãi bỏ bởi khoản 32 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng như sau:
Điều 61. Hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:
a) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;
b) Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;
c) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;
d) Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;
đ) Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;
e) Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
g) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
.....
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
....
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 trong các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Như hành vi yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng là một hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng.
Tiệm vàng mua vàng miếng yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào giá trị của hàng hóa.
Bên cạnh đó người vi phạm còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng là bao lâu?
Căn cứ quy định khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
....
Như vậy, theo quy định thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hành vi yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng 01 năm. Do đây không phải là hành vi vi phạm thuộc các trường hợp loại trừ nêu trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Việt Nam có mấy Viện kiểm sát nhân dân tối cao? Địa chỉ Viện kiểm sát nhân dân tối cao ở đâu?
- Hướng dẫn thủ tục xóa đăng ký tạm trú từ 10/01/2025?
- Lịch âm dương tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở từ 10/1/2025?
- Những đối tượng nào được miễn đào tạo nghề công chứng?