Tham nhũng là gì? Tội phạm tham nhũng chấp hành xong án có được đương nhiên xóa án tích không?
Tham nhũng là gì?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
3. Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
...
6. Nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
7. Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
...
Theo đó, tham nhũng có thể được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó với mục đích hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân khác.
Tham nhũng là gì? Tội phạm tham nhũng chấp hành xong án có được đương nhiên xóa án tích không? (Hình từ Internet)
Tội phạm tham nhũng chấp hành xong án có được đương nhiên xóa án tích không?
Căn cứ theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về đương nhiên được xóa án tích như sau:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
...
Như vậy, tội phạm tham nhũng chấp hành xong án được đương nhiên xóa án tích khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
- Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Tội phạm tham nhũng có các tình tiết tăng nặng nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi bởi điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, tội phạm tham nhũng có 15 tình tiết tăng nặng sau:
- Phạm tội có tổ chức;
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
- Phạm tội có tính chất côn đồ;
- Phạm tội vì động cơ đê hèn;
- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
- Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
- Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
- Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Lưu ý: Các tình tiết đã được quy định là dấu hiệu định tội của tội tham nhũng hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Lỗi dừng đèn đỏ quá vạch 2025 đối với xe máy bị phạt bao nhiêu?
- Những món ăn phổ biến vào ngày tết Nguyên đán? Công tác an toàn thực phẩm đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 triển khai như thế nào?
- Giao thừa 2025 lúc mấy giờ? Giao thừa 2025 có bắn pháo hoa không?
- Ngày 2 tháng 2 năm 2025 là mùng mấy Tết 2025?