Người dân có hành vi gây rối ở trụ sở Ủy ban nhân dân huyện bị phạt bao nhiêu tiền?
Người dân có hành vi gây rối ở trụ sở Ủy ban nhân dân huyện bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
Vi phạm quy định về trật tự công cộng
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
c) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
đ) Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo các quy định này, người dân có hành vi gây rối ở trụ sở Ủy ban nhân dân huyện có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi gây rối ở trụ sở Ủy ban nhân dân huyện thì sẽ chịu mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Người dân có hành vi gây rối ở trụ sở Ủy ban nhân dân huyện bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính như sau:
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Theo đó, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được xác định như sau:
(1) Đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
- Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo;
- Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác;
- Tính từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không có hành vi tái phạm.
(2) Đối với cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính
- Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm.
Một người vi phạm nhiều lỗi vi phạm hành chính thì có gộp chung các mức phạt không?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, trường hợp một người vi phạm nhiều lỗi vi phạm hành chính thì sẽ xử phạt về từng hành vi vi phạm với từng mức xử phạt tương ứng mà không gộp chung các mức phạt với nhau.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?