Thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 như thế nào?

Thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 như thế nào? Hệ thống giáo dục quốc dân có bao nhiêu cấp học? Hoạt động giáo dục đối với học sinh được thực hiện dưới các hình thức nào?

Thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 như thế nào?

Hằng năm, tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (gọi tắt là UPU) sẽ tổ chức cuộc thi viết thư UPU dành cho trẻ em, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

Theo đó thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 năm 2024 tại Việt Nam như sau:

Tiếng Anh: At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit

Chủ đề cuộc thi gắn kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong năm 2024 (1874 - 2024).

I. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.

II. MỤC ĐÍCH - Ý NGHĨA:

Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:

- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

- Giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới.

- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

III. THỂ LỆ:

1. Đối tượng tham gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 năm 2024 Học sinh Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi).

2. Quy định về bức thư dự thi:

- Bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

- Các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.

- Bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.

- Ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

- Trong nội dung bức thư dự thi, học sinh không được nêu cụ thể tên, trường lớp, địa chỉ của mình, tránh tiết lộ thông tin cá nhân.

Hướng dẫn gửi thư dự thi:

- Mỗi bức thư dự thi phải cho vào phong bì có dán tem bưu chính, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (11611) và gửi qua hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).

- Phong bì thư cần ghi rõ: Bức thư dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024).

- Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng - Số 5, phố Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội - 11611

3. Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 5/01/2024 - 15/03/2024 (theo dấu Bưu điện)

4. Một số yêu cầu:

- Không bắt buộc 100% học sinh của trường tham gia;- Tất cả các bài dự thi không dán Tem bưu chính hoặc không gửi qua Bưu điện Việt Nam đều không hợp lệ;

- Bản quyền các bài tham dự cuộc thi thuộc về Ban Tổ chức;

- Mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng là: 11611.

- Không đưa bức thư dự thi lên báo chí, truyền hình hoặc mạng xã hội khi Ban Tổ chức chưa công bố kết quả.

5. Kênh thông tin chính thức về Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53

- Trang Fanpage chính thức của Cuộc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam (https://www.facebook.com/cuocthivietthuupuvietnam).

- Website chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông (www.mic.gov.vn – chuyên trang về Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU).

- Website chính thức của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (www.vnpost.vn – chuyên mục Viết thư UPU).

- Báo điện tử của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (www.thieunien.vn).

- Hotline: 190-0545481 hoặc Bưu điện gần nhất để phục vụ cung cấp tem thư.

IV. GIẢI THƯỞNG:

1. Giải thưởng Quốc gia:

- Các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba và 02 đại diện (phụ huynh và nhà trường) của mỗi thí sinh về dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.

1.1. Giải cá nhân:

Các giải chính thức

+ 01 Giải Nhất: 10.000.000 đồng;

+ 03 Giải Nhì, mỗi giải: 5.000.000 đồng;

+ 05 Giải Ba, mỗi giải: 3.000.000 đồng;

+ 30 Giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000 đồng;

+ Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật, mỗi giải: 1.000.000 đồng;

+ Giải “Cây bút triển vọng”, mỗi giải: 500.000 đồng.

1.2. Giải tập thể:

Các trường có học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể, mỗi giải 2.000.000 đồng.

1.3. Giải thưởng Quốc tế:

Bức thư giành giải Nhất Quốc gia sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Học sinh đạt giải Quốc tế sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30.000.000 đồng; Giải Nhì: 20.000.000 đồng; Giải Ba: 15.000.000 đồng; Giải Khuyến khích: 10.000.000 đồng; và được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho em học sinh đạt giải quốc tế và 02 đại diện (phụ huynh và nhà trường) của học sinh đạt giải để dự Lễ trao giải quốc tế ở trong nước.

V. BAN TỔ CHỨC:

Trưởng ban: Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các phó Trưởng ban:

- Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Phó Trưởng ban Thường trực cuộc thi);

- Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương;

- Ông Nguyễn Phan Khuê, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng;

- Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam;

Và các thành viên Ban Tổ chức.

VI. BAN GIÁM KHẢO:

Trưởng ban: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Phó Trưởng ban: Nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.

Các thành viên Ban giám khảo:

Nhà báo Phạm Thành Long; Nhà thơ Trần Hữu Việt; Nhà văn Phạm Thị Phong Điệp; Nhà biên kịch Vũ Quang Vinh; Nhà thơ Nguyễn Đức Quang; Nhà văn Lê Phương Liên; Nhà thơ, Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh; Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; Nhà giáo Nguyễn Văn Thư; Nhà văn Võ Thị Xuân Hà; Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy; Nhà báo Trần Thị Thu Hiền; Nhà báo Lưu Hà; Nhà báo Nguyễn Thị Bích Ngọc./.

Thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 như thế nào?

Thể lệ Cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53 như thế nào? (Hình từ Internet)

Hệ thống giáo dục quốc dân có bao nhiêu cấp học?

Căn cứ quy định Điều 6 Luật Giáo dục 2019 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân như sau::

Hệ thống giáo dục quốc dân
1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay có 4 cấp học như sau:

[1] Giáo dục mầm non: dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

[2] Giáo dục phổ thông dành cho học sinh từ 6 đến 18 tuổi bao gồm:

- Giáo dục tiểu học: dành cho học sinh từ 6 đến 11 tuổi, gồm 5 năm học.

- Giáo dục trung học cơ sở: dành cho học sinh từ 11 đến 15 tuổi, gồm 4 năm học.

- Giáo dục trung học phổ thông: dành cho học sinh từ 15 đến 18 tuổi, gồm 3 năm học.

[3] Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

[4] Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Hoạt động giáo dục đối với học sinh được thực hiện dưới các hình thức nào?

Căn cứ quy định Điều 19 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về hoạt động giáo dục như sau:

Hoạt động giáo dục
1. Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Hoạt động giáo dục thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Như vậy, hoạt động giáo dục với học sinh trung học sẽ được tổ chức thực hiện cả trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường dưới các hình thức chủ yếu sau:

- Học lí thuyết, làm bài tập;

- Làm thực hành, thí nghiệm;

- Thực hiện các dự án học tập;

- Tham quan, cắm trại;

- Đọc sách;

- Sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ;

- Hoạt động phục vụ cộng đồng.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Khắc Vỹ
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào