Đào tạo theo niên chế là gì? Sự khác nhau giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ?
Đào tạo theo niên chế là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định như sau:
Phương thức tổ chức đào tạo
1. Đào tạo theo niên chế:
a) Là phương thức tổ chức đào tạo theo lớp học tương đối cố định đối với tất cả các học phần bắt buộc của chương trình đào tạo trong toàn khoá học, cho phép sinh viên cùng lớp thực hiện theo kế hoạch học tập chuẩn và theo một thời khóa biểu chung trừ những học phần tự chọn hoặc học lại;
b) Sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường sẽ được học tiếp năm sau theo kế hoạch học tập chuẩn và đăng ký học lại những học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo;
c) Sinh viên được đánh giá không đạt tiến độ học tập bình thường sẽ phải học cùng sinh viên khóa sau để học lại các học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo.
Theo đó, đào tạo theo niên chế là phương thức tổ chức đào tạo theo lớp học tương đối cố định đối với tất cả các học phần bắt buộc của chương trình đào tạo trong toàn khoá học, cho phép sinh viên cùng lớp thực hiện theo kế hoạch học tập chuẩn và theo một thời khóa biểu chung.
Đào tạo theo niên chế là gì? Sự khác nhau giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ? (Hình từ Internet)
Sự khác nhau giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ?
Sau đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ:
Tiêu chí | Đào tạo theo niên chế | Đào tạo theo tín chỉ |
Tính chủ động của người học | Tất cả sinh viên đều học theo một tiến độ chung do nhà trường sắp xếp. Chương trình học như nhau đối với tất cả sinh viên và sinh viên không được lựa chọn | Sinh viên có thể sắp xếp chương trình học, lịch học, lượng kiến thức học phù hợp với bản thân Đối với học phần tự chọn sinh viên có thể lựa chọn các môn học phù hợp với khả năng và sở thích của mình |
Chương trình học | Chương trình học được thiết kế theo năm. Chỉ có học phần bắt buộc, khuyến khích tự học nhưng không bắt buộc | Chương trình học theo từng kỳ. bao gồm: học phần bắt buộc, học phần tự chọn. Mỗi học phần đều có tiết tự học của sinh viên |
Chương trình đào tạo liên thông | Chỉ có thể liên thông trong cùng ngành học. Rất khó để liên thông sang ngành học khác, trường khác vì thời gian học cố định | Có thể liên thông sang ngành học khác, trường khác khi đáp ứng đủ các điều kiện của trường |
Phương pháp đánh giá học tập | Đánh giá học tập theo kết quả của năm học. Nếu năm học đó sinh viên không đạt yêu cầu thì phải học lại năm đó | Kết quả học tập được tính theo tổng số tín chỉ tích lũy. Sinh viên sẽ bị buộc thôi học nếu không đủ số điểm trung bình tích lũy trong một thời gian nhất định |
Điều kiện ra trường | Sinh viên phải thi đạt tất cả các môn | Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ và có điểm trung bình tích lũy theo quy định |
Quản lý sinh viên | Sinh viên được quản lý, sinh hoạt theo lớp. Sinh viên được tư vấn chủ yếu bởi giáo viên chủ nhiệm của lớp | Sinh viên được quản lý theo lớp học phần. Sinh viên được tư vấn bởi cố vấn học tập |
Lưu ý: Thông tin về sự khác nhau giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ chỉ mang tính tham khảo.
Thời gian đào tạo theo tín chỉ theo giáo dục đại học là bao lâu?
Căn cứ Điều 35 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định như sau:
Thời gian đào tạo
1. Thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với các trình độ của giáo dục đại học trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, thời gian đào tạo sẽ phụ thuộc vào số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo phù hợp với quy định.
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học được xác định như nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 19 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định như sau:
Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh
1. Chỉ tiêu tuyển sinh được quy định như sau:
a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác;
b) Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố;
c) Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các điều kiện đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?