Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về giáo dục đại học hiện hành

Giáo dục đại học đóng vai trò trong đào tạo nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

1. Điều kiện để thành lập cơ sở giáo dục đại học

Căn cứ Điều 22 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học như sau:

- Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt;

+ Có chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học về việc thành lập cơ sở giáo dục đại học và xác nhận về quyền sử dụng đất;

+ Có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học của cơ quan có thẩm quyền;

+  Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của Luật đầu tư.

- Sau thời hạn 04 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hết hiệu lực.

Danh sách văn bản hướng dẫn về giáo dục đại học (Hình từ Internet)

2. Điều kiện mở, chuyên ngành đào tạo

Căn cứ Điều 33 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi tại Khoản 18 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về mở ngành đào tạo như sau:

Điều 33. Mở ngành đào tạo

1. Điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ bao gồm:

a) Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế;

b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;

c) Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu;

d) Có chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học 2012.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết điều kiện mở ngành đào tạo; quy định trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo; quyết định cho phép mở ngành đối với cơ sở giáo dục đại học chưa đủ điều kiện được tự chủ mở ngành đào tạo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục đại học 2012 và đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.

3. Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục đại học 2012 và khoản 2 Điều 32 của Luật Giáo dục đại học 2012 được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh; trường hợp mở ngành mới trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ mở ngành và thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học 2012, quy định về kiểm định chất lượng của Luật Giáo dục đại học 2012.

4. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2012. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.”.

Theo đó, điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là:

+ Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế;

+ Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;

+ Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu;

+ Có chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học 2012.

3. Danh sách văn bản hướng dẫn về giáo dục đại học

1

Luật giáo dục đại học 2012

Luật Giáo dục đại học 2012 số 08/2012/QH13 có hiệu lực 01/01/2013 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Một số quy định nổi bật là cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện tại Điều 14, điều kiện để được cho phép hoạt động đào tạo tại Điều 23, nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện tại Điều 28.

2

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 có hiệu lực 01/07/2019. Một số quy định được sửa đổi đáng lưu ý là trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học tại Khoản 3 Điều 1, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học tại Khoản 5 Điều 1, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học tại Khoản 7 Điều 1.

3

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực 15/02/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28 và 34 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Một số quy định nổi bật là đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học tại Điều 2, quy trình thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập tại Điều 7.

4

Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 86/2018/NĐ-CP có hiệu lực 01/08/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Nội dung liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được quy định tại Mục 2 Nghị định này. Một số quy định nổi bật là đối tượng, hình thức liên kết tại Điều 15, phạm vi, quy mô, tuyển sinh và ngôn ngữ giảng dạy trong liên kết đào tạo tại Điều 16, chương trình đào tạo tại Điều 17.

5

Nghị định 141/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục đại học

Nghị định 141/2013/NĐ-CP có hiệu lực 10/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học về đối tượng áp dụng điều lệ trường đại học, trường cao đẳng; đại học vùng; chương trình giáo dục đại học và hình thức đào tạo; tài sản, chính sách đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; chính sách đối với giảng viên. Một số quy định nổi bật là chương trình đào tạo và hình thức đào tạo tại Điều 4, chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận tại Điều 7.

6

Nghị định 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

Nghị định 143/2013/NĐ-CP có hiệu lực 10/12/2013 quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (sau đây gọi chung là chi phí đào tạo) đối với người học chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp. Một số quy định nổi bật là trường hợp bồi hoàn chi phí đào tạo tại Điều 3, chi phí bồi hoàn và cách tính chi phí bồi hoàn tại Điều 5, trả và thu hồi chi phí bồi hoàn tại Điều 7.

7

Nghị định 186/2013/NĐ-CP về Đại học quốc gia

Nghị định 186/2013/NĐ-CP có hiệu lực 01/01/2014 quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Đại học quốc gia. Một số quy định nổi bật là hội đồng Đại học quốc gia tại Điều 5, giám đốc, Phó Giám đốc Đại học quốc gia tại Điều 6.

8

Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

Nghị định 109/2022/NĐ-CP có hiệu lực 01/03/2023 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Một số quy định nổi bật là nội dung và kế hoạch khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học tại Điều 3, nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học tại Điều 7, tiêu chuẩn trưởng nhóm và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học tại Điều 9.

9

Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực 13/06/2023. Quy định nổi bật được sửa đổi là quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo tại Khoản 4 Điều 1.

10

Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực 11/08/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: mục đích, nguyên tắc của việc giám sát, đánh giá; nội dung, hoạt động, sử dụng kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiêu chuẩn, chu kỳ, quy trình đánh giá; tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số quy định nổi bật là hoạt động giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Điều 6, tiêu chuẩn đánh giá tại Điều 8, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Điều 11.

11

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực 22/03/2024 ban hành kèm Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.

12

Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực 01/07/2017 ban hành kèm Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

13

Thông tư 62/2012/TT-BGDĐT về Quy định quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 62/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực 15/02/2013 ban hành kèm Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

14

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 07/08/2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực và ngành đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Một số quy định nổi bật là chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo tại Điều 5, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tại Điều 6, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo tại Điều 8.

15

Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 01/06/2021 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam bao gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Một số quy định nổi bật là điều kiện công nhận văn bằng tại Điều 4, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng tại Điều 7, hủy bỏ kết quả công nhận văn bằng tại Điều 8.

16

Thông tư 35/2021/TT-BGDĐT quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 35/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 21/01/2022 quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học. Một số quy định nổi bật là yêu cầu đối với giáo trình tại Điều 4, sử dụng giáo trình và tài liệu để giảng dạy tại Điều 7, biên soạn giáo trình tại Điều 11.

17

Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực 04/03/2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, bao gồm cả chỉ tiêu của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có sử dụng chung các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong xác định chỉ tiêu. Một số quy định nổi bật là quy định giảng viên trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh tại Điều 5, tiêu chí và cách tính theo tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học hình thức chính quy tại Điều 6, xác định chỉ tiêu cao đẳng, đại học các ngành đào tạo giáo viên chính quy tại Điều 8.

18

Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực 04/03/2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, bao gồm cả chỉ tiêu của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có sử dụng chung các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong xác định chỉ tiêu. Một số quy định nổi bật là nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tại Điều 4, xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy tại Điều 7, xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo tại Điều 12.

19

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực 04/03/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tại trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Một số quy định nổi bật là điều kiện chung tại Điều 3, điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ tại Điều 5, xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo tại Điều 8.

20

Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực 25/11/2022 quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm,, bao gồm: tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên; bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; sát hạch, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên. Một số quy định nổi bật là tiêu chuẩn của kiểm định viên tại Điều 4, chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên tại Điều 7, nội dung, hình thức sát hạch tại Điều 10.

21

Quyết định 26/2014/QĐ-TTg về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và cơ sở giáo dục đại học thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 26/2014/QĐ-TTg có hiệu lực 20/05/2014 ban hành kèm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.181.219
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!