Bụi mịn là gì? Nguyên nhân và tác hại của bụi mịn như thế nào? Ô nhiễm nghiêm trọng do bụi mịn thì áp dụng những biện pháp khẩn cấp gì?
Bụi mịn là gì?
Bụi nói chung là một hỗn hợp phức tạp gồm các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc dạng rắn, có thể bay lơ lửng trong không khí.
Theo định nghĩa từ Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, bụi mịn là các phân tử vô cơ hoặc hữu cơ bay lơ lửng trong không khí, và thường có nguồn gốc từ bụi, đất, bồ hóng, và chủ yếu đến từ khói thông qua việc đốt cháy các nhiên liệu hữu cơ trong công nghiệp hay phương tiện giao thông.
Kích thước của các hạt bụi mịn rất đa dạng, từ những hạt có thể nhìn bằng mắt thường cho đến các phân tử gần như vô hình, cụ thể:
[1] Bụi mịn PM10: Những hạt bụi có kích thước từ 2.5 - 10µm
Các hạt này chỉ tích tụ trên phổi nên mức độ nguy hiểm không cao bằng PM2.5.
[2] Bụi mịn PM2.5: Những hạt bụi có kích thước từ 1.0 - 2.5µm
Đây là loại bụi mịn được nhiều người cảnh báo nguy hiểm nhất bởi vì chúng có khả năng thâm nhập vào đường máu thông qua việc hít thở. Ngoài ra, có một số phân tử bụi vốn có độc tính, thế nên nhờ việc thâm nhập sâu vào máu nên có thể gây ra nhiều đến cơ thể của chúng ta.
[3] Bụi siêu mịn PM1.0
Gần đây, nhiều nhà khoa học có phát hiện ra sự tồn tại của các phân tử được gọi là bụi siêu mịn, hay là PM1.0. Những hạt bụi siêu mịn này có kích thước nhỏ đến mức kinh ngạc (nhỏ hơn 1.0µm), và chúng có thể tấn công phế nang một cách dễ dàng. Vì kích thước nhỏ, các phân tử này có khả năng tác động mạnh lên tế bào hay ADN của cơ thể người.
Bụi mịn là gì? Nguyên nhân và tác hại của bụi mịn như thế nào? Ô nhiễm nghiêm trọng do bụi mịn thì áp dụng những biện pháp khẩn cấp gì? (Hình từ Internet)
Nguyên nhân và tác hại của bụi mịn như thế nào?
Nguyên nhân gây ra bụi mịn chủ yếu là do các hoạt động của con người, bao gồm:
+ Khí thải từ phương tiện giao thông
+ Khí thải từ nhà máy, xí nghiệp
+ Khí thải từ hoạt động xây dựng
+ Khí thải từ hoạt động đốt rác, rơm rạ
+ Khí thải từ thiên nhiên
...
Từ đó, tác hại của bụi mịn gây ảnh hưởng trực tiếp đối với con người như:
- Gây ra các bệnh liên quan đến hệ hô hấp
Việc tiếp xúc lâu dài với không khí có chất lượng tệ sẽ dễ gây ra các bệnh liên quan đến hệ hô hấp như viêm phế quản mãn tính, suy nhược chức năng của phổi, bệnh hen suyễn, thậm chí là ung thư phổi.
- Gây độc đến các hệ cơ quan khác
Ngoài hệ hô hấp là nơi “chịu trận” nặng nhất khi bị tác động bởi bụi mịn, các hệ cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng không kém, chẳng hạn như hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ sinh sản của con người. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn có thể khiến cho các con đường chuyển hoá trong cơ thể bị rối loạn, dễ sinh bệnh.
- Gây ảnh hưởng đến tế bào lẫn phân tử ADN
Trong quá trình tiếp xúc với bụi mịn, cơ thể sẽ sản sinh ra các gốc tự do, và đây là các mối nguy hiểm tấn công đến tế bào lẫn các phân tử quan trọng nhất của cơ thể như ADN. Nếu tiếp xúc lâu dài với bụi mịn thì nguy cơ bị đột biến sẽ tăng lên, dễ hình thành các khối u ung thư.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Việc người mẹ tiếp xúc thường xuyên với bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai nhi, và trẻ khi mới sinh ra có thể gặp các tình trạng như hụt cân, tự kỷ hay là suy nhược thần kinh.
Khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi mịn thì áp dụng những biện pháp khẩn cấp gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như sau:
Thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng
1. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương X Luật Bảo vệ môi trường.
2. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:
a) Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
b) Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;
c) Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học;
d) Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.
...
Như vậy, khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi mịn cần tiến hành thực hiện các biện pháp khẩn cấp sau:
- Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
- Hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ;
- Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học;
- Tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thời hạn nộp Bản kiểm điểm đảng viên cuối năm là khi nào?
- Tiết lập đông 2024 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào? Tiết lập đông 2024 có ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương không?
- Năm Ất Tỵ bao nhiêu lâu có một lần? Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra vào ngày bao nhiêu?
- Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngày nào?
- Công thức xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo, chi phí tiền lương từ 16/12/2024?