1. Các hoạt động bảo vệ các thành phần môi trường
Thứ nhất, Bảo vệ môi trường nước
Bảo vệ môi trường nước gồm bảo vệ môi trường nước mặt, bảo vệ môi trường nước dưới đất và bảo vệ môi trường nước biển, cụ thể như sau:
Theo Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt
- Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;
- Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt;
- Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; đánh giá hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt;
- Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm;
- Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích sông liên quốc gia và chia sẻ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật và thông lệ quốc tế.
Theo Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Bảo vệ môi trường nước dưới đất, như sau:
- Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.
- Hoạt động khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
- Cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.
- Cơ sở, kho, bãi chứa, lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm xử lý ô nhiễm.
- Việc bảo vệ môi trường nước dưới đất phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Bảo vệ môi trường nước biển, như sau:
- Các nguồn thải vào môi trường nước biển phải được điều tra, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá, xác định và công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế - xã hội khác phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
- Bảo vệ môi trường nước biển phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.
- Việc bảo vệ môi trường nước biển phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, Bảo vệ môi trường không khí
Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường 2020 Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí, như sau:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
- Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.
- Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
- Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Bảo vệ môi trường đất
Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường 2020 Quy định chung về bảo vệ môi trường đất, như sau:
- Quy hoạch, kế hoạch, dự án và hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.
- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.
- Nhà nước xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.
Tổng hợp những văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường mới nhất (Hình từ Internet)
2. Giấy phép môi trường
Đối tượng phải có giấy phép môi trường được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020
Nội dung giấy phép môi trường (Theo Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020)
* Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).
* Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:
- Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;
- Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;
- Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;
- Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
- Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
* Yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
- Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;
- Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
- Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
- Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường;
- Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường (nếu có).
* Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:
- 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;
- 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;
- 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
- Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).
3. Tổng hợp những văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường mới nhất
1
Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn
Nghị định 06/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 07/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon.
2
Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 quy định về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường.
3
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/08/2022 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4
Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Nghị định 27/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/07/2023 quy định về đối tượng chịu phí; người nộp phí; tổ chức thu phí; các trường hợp được miễn phí; mức thu, phương pháp tính, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
5
Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Nghị định 05/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, đơn cử như:
- Bổ sung Điều 26a về Phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Khoản 7 Điều 1;
- Sửa đổi Điều 26 về Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường tại Khoản 8 Điều 1;
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 27 tại Khoản 9 Điều 1;
- Sử đổi Điều 28 về Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường tại Khoản 10 Điều 1.
6
Thông tư 35/2024/TT-BTNMT về Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ban hành
Thông tư 35/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 03/02/2025 quy định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại.
Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định bao gồm:
- Các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Các quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
7
Thông tư 36/2024/TT-BTNMT về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 36/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 06/02/2025 quy định các định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, bao gồm:
- Các định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết; thu gom cơ giới chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở tiếp nhận; vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến cơ sở tiếp nhận, từ trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý; vận chuyển chất thải cồng kềnh từ điểm thu gom đến cơ sở xử lý; vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, điểm thu gom đến cơ sở xử lý hoặc điểm lưu giữ chất thải nguy hại; vận chuyển nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến cơ sở xử lý; vệ sinh điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt;
- Các định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng thiết bị ép; vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không sử dụng thiết bị ép;
- Các định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt: vận hành cơ sở xử lý chất thải thực phẩm thành mùn; vận hành cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng để phát điện; vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt không thu hồi năng lượng; vận hành cơ sở xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
8
Thông tư 63/2024/TT-BGTVT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Thông tư 63/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/02/2025 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính từ hoạt động đốt nhiên liệu trực tiếp của phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trừ phương tiện, thiết bị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
9
Thông tư 06/2023/TT-BTNMT hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 06/2023/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/10/2023 hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.
Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược thực hiện trong quá trình xây dựng chiến lược theo các bước sau:
1. Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong thuyết minh nhiệm vụ xây dựng chiến lược;
2. Phân tích tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu;
3. Xác định giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để lồng ghép vào chiến lược;
4. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược;
5. Lấy ý kiến nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã lồng ghép.
10
Thông tư 38/2023/TT-BCT quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Thông tư 38/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 11/02/2024 quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), kiểm kê KNK ngành Công Thương.
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính được thực hiện ở cấp lĩnh vực hoặc cấp cơ sở thuộc ngành công thương.
11
Thông tư 01/2024/TT-BTNMT quy định về định mức cho hoạt động thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 01/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 02/02/2024 quy định định mức cho hoạt động thực hiện đánh giá môi trường chiến lược thông qua hoạt động lựa chọn nhà thầu của các quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh mục tiêu của quy hoạch) thuộc đối tượng quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
12
Thông tư 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 17/2022/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải và các cơ sở xử lý chất thải.
13
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 hướng dẫn một số nội dung tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP như:
- Quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, di sản thiên nhiên;
- Quy định về nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường;
- Quy định về Quản lý chất thải, phế liệu nhập khẩu và kiểm soát các chất ô nhiễm;
- Quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường.
14
Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn về việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác trừ việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi ở vùng có dịch.
15
Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Thông tư 20/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Việc phân loại chất thải y tế bao gồm:
- Phân loại chất thải lây nhiễm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn; Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn; Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao; Chất thải giải phẫu; Chất thải lây nhiễm dạng lỏng.
- Phân loại chất thải nguy hại không lây nhiễm: Chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn và Chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng
- Phân loại chất thải rắn thông thường: Chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế; Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế
- Phân loại chất thải lỏng không nguy hại: chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa.
16
Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Thông tư 15/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 10/02/2022 hướng dẫn một số nội dung về công trình thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung bao gồm các yêu cầu phải đáp ứng trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành công trình.
17
Thông tư 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 01/2022/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 07/01/2022 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 06/2022/NĐ-CP về:
- Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu;
- Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
- Danh mục, hướng dẫn sử dụng, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát.
18
Quyết định 13/2024/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, bao gồm:
- Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Phụ lục I;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương tại Phụ lục II;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải tại Phụ lục III;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng tại Phụ lục IV;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường tại Phụ lục V.