1. Danh mục chất thải nguy hại
Theo Khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.
Nhóm danh mục chất thải nguy hại được quy định tại Mẫu số 1 Phụ lục 3 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Quyết định 3323/QĐ-BTNMT bao gồm:
+ Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than
+ Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hóa chất vô cơ
+ Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất hữu cơ
+ Chất thải từ nhà máy nhiệt điện và các cơ sở đốt khác
+ Chất thải từ ngành luyện kim và đúc kim loại
+ Chất thải từ ngành sản xuất thủy tinh và vật liệu và thủy tinh
+ Chất thải từ quá trình xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác
+ Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng, sử dụng các sản phẩm che phủ (sơn, véc ni, vật liệu tráng men), chất kết dính, chất bịt kín và mực in
+ Chất thải từ ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm gỗ, giấy và bột giấy
+ Chất thải từ ngành chế biến da, lông và dệt nhuộm
+ Chất thải xây dựng, phá vỡ (kể cả đất đào từ các khu vực bị ô nhiễm)
+ Chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý, tiêu hủy chất thải, nước thải và xử lý nước cấp
+ Chất thải từ ngành y tế và thú y (trừ chất thải sinh hoạt của ngành này)
+ Chất thải từ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp
+ Chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải
+ Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh họat từ các nguồn khác
+ Dầu thải và chất thải lẫn dầu, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy
+ Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ
+ Các loại chất thải khác chưa nêu tại các mã khác

Tổng hợp văn bản hướng dẫn chất thải nguy hại mới nhất (Hình từ Internet)
2. Xử lý chất thải nguy hại
Theo Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; khuyến khích việc đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng; khuyến khích đồng xử lý chất thải nguy hại.
- Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại;
+ Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định;
+ Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;
+ Có giấy phép môi trường;
+ Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
+ Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp;
+ Có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động;
+ Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.
3. Danh sách văn bản hướng dẫn về chất thải nguy hại
1
Luật Bảo vệ môi trường 2020
Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 có hiệu lực 01/01/2020 quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nội dung về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Mục 4 Chương VI gồm: khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại tại Điều 83, xử lý chất thải nguy hại tại Điều 84, trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại tại Điều 85.
2
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực 25/08/2022 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại Điều 29, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại tại Điều 30, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại và thực hiện giấy phép môi trường về xử lý chất thải nguy hại tại Điều 31.
3
Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực 10/01/2022 hướng dẫn một số điều Luật bảo vệ môi trường 2020 về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường.
Nội dung về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Mục 4 Chương V. Một số quy định nổi bật là phân định, phân loại chất thải nguy hại tại Điều 68, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại tại Điều 69, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại tại Điều 71.
4
Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Nghị định 05/2025/NĐ-CP có hiệu lực 06/01/2025 sửa đổi một số điều Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
5
Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Nghị định 53/2020/NĐ-CP có hiệu lực 01/07/2020 quy định về đối tượng chịu phí, tổ chức thu phí, người nộp phí, các trường hợp miễn phí, mức thu phí, xác định số phí phải nộp, kê khai nộp phí, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Một số quy định nổi bật là mức phí tại Điều 6. xác định số phí phải nộp tại Điều 7, kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí tại Điều 8.
6
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Nội dung về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Mục 4 Chương II. Một số quy định nổi bật là khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và mẫu chứng từ chất thải nguy hại tại Điều 35, yêu cầu kỹ thuật về bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ xử lý chất thải nguy hại tại Điều 36.
7
Thông tư 36/2024/TT-BTNMT về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 36/2024/TT-BTNMT có hiệu lực 06/02/2025 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nội dung về Vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ điểm thu gom đến cơ sở xử lý hoặc điểm lưu giữ chất thải nguy hại được quy định tại mục V, chương I, phần II.
8
Thông tư 35/2024/TT-BTNMT về Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ban hành
Thông tư 35/2024/TT-BTNMT có hiệu lực 03/02/2025 quy định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại. Quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ điểm thu gom đến cơ sở xử lý hoặc điểm lưu giữ chất thải nguy hại được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư này.
9
Thông tư 44/2011/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư 44/2011/TT-BTNMT có hiệu lực 01/03/2022 ban hành kèm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: QCVN 41: 2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng.
10
Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Thông tư 20/2021/TT-BYT có hiệu lực 10/01/2022 quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Một số quy định nổi bật là phân loại chất thải y tế tại Điều 6, thu gom chất thải y tế tại Điều 7.
11
Quyết định 27/2004/QĐ-BXD ban hành TCXDVN 320: 2004 “Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - Tiêu chuẩn thiết kế” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
Quyết định 27/2004/QĐ-BXD có hiệu lực 10/12/2004 ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam: TCXDVN 320: 2004 "Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - Tiêu chuẩn thiết kế”.