Không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có được hưởng quyền lợi khác không?
Không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có được hưởng quyền lợi khác không?
Đầu tiên, theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
...
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả thêm cho người lao động một khoản tiền tương ứng với mức đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp.
Khoản tiền này được tính dựa trên mức lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động và mức đóng bảo hiểm của doanh nghiệp và phải được chi trả cùng lúc với kỳ trả lương.
Tuy nhiên, quyền lợi này chỉ áp dụng với những người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên nhưng thuộc diện không phải đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, bao gồm:
[1] Người giúp việc gia đình;
[2] Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;
[3] Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP;
[4] Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
[5] Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010.
Từ những quy định trên, để được hưởng quyền lợi trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng các loại bảo hiểm của doanh nghiệp, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau:
Là người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên;
Thuộc diện không phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
Không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có được hưởng quyền lợi khác không? (Hình từ Internet)
Quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định quyền của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
- Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
+ Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
+ Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
+ Thông qua người sử dụng lao động.
- Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+ Đang hưởng lương hưu;
+ Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
- Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
- Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
- Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
- Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có những chế độ nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội như sau:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
...
Theo đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có 05 chế độ cụ thể như sau:
[1] Chế độ ốm đau:
Căn cứ theo Điều 24 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
[2] Chế độ thai sản:
Tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
[3] Chế độ an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Theo Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
[4] Chế độ hưu trí:
Căn cứ Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ hưu trí là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
[5] Chế độ tử tuất:
Theo Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ tử tuất là người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?