Quản lý thị trường có được kiểm tra nhà thuốc hay không?
Phạm vi kiểm tra của quản lý thị trường quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 17 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định về phạm vi kiểm tra như sau:
Phạm vi kiểm tra
1. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường.
Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì lực lượng Quản lý thị trường được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương.
3. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, quản lý thị trường sẽ được kiểm tra các nội dung sau:
[1] Việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường.
[2] Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương.
[3] Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác mà lực lượng Quản lý thị trường được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Quản lý thị trường có được kiểm tra nhà thuốc hay không? (Hình từ Internet)
Quản lý thị trường có được kiểm tra nhà thuốc hay không?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Dược 2016 quy định về quản lý nhà nước về dược như sau:
Cơ quan quản lý nhà nước về dược
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dược.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược tại địa phương.
Theo đó, việc quản lý nhà nước về dược thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Theo Điều 36 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định về cơ quan chủ trì kiểm tra như sau:
Cơ quan chủ trì kiểm tra
1. Cơ quan Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực thì cơ quan Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra.
3. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chủ trì kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực được giao.
Quản lý thị trường sẽ có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, tuy nhiên nếu việc kiểm tra có liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn quản lý nhà nước của các ngành khác thì lực lượng quản lý thị trường cần phải phối hợp với thanh tra ngành đó để tiến hành kiểm tra.
Như vậy, khi kiểm tra nhà thuốc là thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về dược của ngành y tế, thì quản lý thị trường cần phải phối hợp với thanh tra y tế để tiến hành kiểm tra.
Chủ nhà thuốc có thể từ chối yêu cầu kiểm tra của quản lý thị trường không?
Căn cứ theo Điều 30 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định về quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra như sau:
Quyền của tổ chức, cá nhân được kiểm tra
1. Được thông báo bằng văn bản về kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề; được thông báo về nội dung, thời gian kiểm tra khi công bố quyết định kiểm tra đột xuất.
2. Từ chối việc kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra không đúng quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan.
3. Giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến nội dung kiểm tra.
4. Trực tiếp làm việc hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp làm việc với cơ quan kiểm tra khi được kiểm tra, bị xử lý vi phạm hành chính.
5. Yêu cầu cơ quan kiểm tra cải chính công khai hoặc xin lỗi và bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc gây thiệt hại vật chất của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
6. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chủ nhà thuốc có thể từ chối yêu cầu kiểm tra của quản lý thị trường nếu có căn cứ cho rằng việc kiểm tra là không đúng pháp luật.
Ngoài ra, chủ nhà thuốc còn có thể khiểu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về việc kiểm tra, xử lý không đúng pháp luật theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?