Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả?
Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả?
Đối với hai thuật ngữ tác giả và chủ sở hữu tác giả sẽ có 02 định nghĩa khác, cụ thể:
Đối với tác giả sẽ được hiểu theo Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có định nghĩa về tác giả có thể là tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại các điều từ Điều 37 đến Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Đối với chủ sở hữu quyền tác giả cũng là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.
Từ 02 định nghĩa trên có thể phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả như sau:
Tiêu chí | Tác giả | Chủ sở hữu |
Quyền được hưởng | Nắm giữ các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, bao gồm: - Đặt tên cho tác phẩm. - Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm. - Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm của mình được công bố, sử dụng. - Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình. - Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. | Nắm giữ một hoặc một số quyền tài sản tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh. - Biểu diễn tác phẩm trước công chúng. - Sao chép tác phẩm. - Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. - Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. - Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. |
Phân loại | Là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Trường hợp tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả. | Có thể không phải là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm những trường hợp sau: - Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả. - Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả. - Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả. - Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế. - Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền. - Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước. |
Từ những phân tích trên, có thể hiểu tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nhưng chủ sở hữu quyền tác giả chưa chắc đã là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Chủ sở hữu có thể là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả, người thừa kế của tác giả.
Những hành vi xâm phậm quyền tác giả là những hành vi nào?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về những hành vi xâm phậm quyền tác giả, bao gồm:
- Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Điều 25a được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
- Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
- Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198 được bổ sung bởi khoản 77 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.
Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả? (Hình từ Internet)
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là bao lâu?
Căn cứ theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả cụ thể như sau:
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Theo đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
Đối với tác phẩm điện ảnh chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Phú Yên hiện nay là bao nhiêu mét vuông?
- Mẫu báo cáo tình hình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng 2024?
- Trangnguyen.edu.vn vào thi Trạng Nguyên Tiếng Việt vòng 6 năm 2024 - 2025? Vào thi vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt thế nào? Hướng dẫn chi tiết đăng ký, đăng nhập?
- Lịch nghỉ Tết 2025 của học sinh 63 tỉnh thành theo vùng miền (Tết Ất Tỵ)?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 10 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?