Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về quyền đối với giống cây trồng

Giống cây trồng là một đối tượng sở hữu công nghiệp trong pháp luật sở hữu trí tuệ. Dưới đây là những văn bản cần biết về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Quyền đối với giống cây trồng là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 5, Khoản 24 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:

- Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ

Theo Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bởi khoản 64 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022), điều kiện để giống cây trồng được bảo hộ là:

+ Giống cây trồng được bảo hộ phải là giống được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển;

+ Giống cây trồng đó có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định;

+ Giống cây trồng đó có tên phù hợp.

Một số điều kiện đối với giống cây trồng được bảo hộ

*Tính mới của giống cây trồng

Căn cứ Điều 159 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi bỏi Điểm k Khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022) quy định về tính mới của giống cây trồng được bảo hộ như sau:

Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

*Tính khác biệt của giống cây trồng

* Căn cứ Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 19 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định về tính khác biệt của giống cây trồng được bảo hộ như sau:

- Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

- Giống cây trồng được biết đến rộng rãi quy định tại Khoản 1 Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 19 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;

+ Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;

+ Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

*Tên của giống cây trồng

Theo quy định Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, (đã được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và được bổ sung bởi điểm d khoản 65 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022) quy định về tên của giống cây trồng như sau:

- Tổ chức, cá nhân đăng ký quyền đối với giống cây trồng phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới và quốc gia có ký kết thỏa thuận với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.

- Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.

- Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:

+ Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó hoặc bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó;

+ Vi phạm đạo đức xã hội;

+ Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó;

+ Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;

+ Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

+ Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.

Dưới đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn về quyền đối với giống cây trồng

 

1

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Trong đó, quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Phần thứ tư của Luật này, bao gồm các nội dung chính sau:
 
+ Chương XII các quy định về điều kiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Chương XIII các quy định về xác lập quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Chương XIV các quy định về Nội dung và giới hạn quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Chương V các quy định về chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

2

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, một số quy định đã được sửa đổi về quyền đối với giống cây trồng cần lưu ý như sau:
 
+ Khoản 64 Điều 1 sửa đổi Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy đinh về điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ
 
+ Khoản 66 Điều 1 sửa đổi Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi bởi khoản 21 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009) quy định về đại diện quyền đối với giống cây trồng
 
+ Khoản 72 Điều 1 sửa đổi Điều 183 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.

3

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, một số quy định đã được sửa đổi về quyền đối với giống cây trồng cần lưu ý như sau:
 
+ Khoản 2 Điều 1 sửa đổi khoản 5 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 giải thích nghĩa quyền đối với giống cây trồng
 
+ Khoản 19 Điều 1 sửa đổi Điều 163 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy đinh về điều kiện tên của giống cây trồng được bảo hộ
 
+ Khoản 21 Điều 1 sửa đổi Điều 163 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy đinh về đăng ký quyền đối với giống cây trồng.

4

Luật Trồng trọt 2018

Luật Trồng trọt năm 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Trong đó, cần lưu ý một số quy định về giải thích giống cây trồng tại khoản 5 Điều 2; tên của giống cây trồng tại Điều 14; yêu cầu chung về việc công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng tại Điều 13; tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng có nghĩa vụ đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng tại Điều 30.

5

Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt

Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/07/2023 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Trong đó, các hành vi vi phạm về bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Điều 17, Điều 18.

6

Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Nghị định 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/08/2023 quy định về việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp; v iệc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;... Liên quan đến quyền đối với giống cây trồng bao gồm các quy định cần lưu ý sau:
 
+ Điều 80 quy định về yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Điều 82 quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Điều 99 quy định về quyền yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Điều 112 quy định về cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ giám định viên về quyền đối với giống cây trồng; và mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên theo Mẫu số 09 tại Phụ lục VI
 
+ Điều 114 quy định về nội dung và lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Điều 116 quy định về  yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;
 
+ Điều 122 quy định về giá dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

7

Nghị định 79/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng

Nghị định 79/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng. Trong đó, cần lưu ý các quy định sau:
 
+ Điều 5 quy định về Danh mục giống cây trồng;
 
+ Điều 6 quy định về trình tự, thủ tục và các mẫu về đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
 
+ Điều 16 quy định về giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;
 
+ Điều 19 quy định về trình tự, thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ;
 
+ Điều 25 quy định về phạm vi quyền của đại diện quyền đối với giống cây trồng.

8

Quyết định 4953/QĐ-BNN-TT năm 2023 công bố thủ tục hành chính mới, thay thế lĩnh vực Trồng trọt thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quyết định 4953/QĐ-BNN-TT năm 2023 có hiệu lực từ ngày 22/11/2023 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Trồng trọt bao gồm: xác lập quyền đối với giống cây trồng; chuyển nhượng, chuyển giao quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.35.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!