Mẫu bảng chấm công hàng ngày mới nhất năm 2023?
Mẫu bảng chấm công hàng ngày được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về đối tượng áp dụng như sau:
Đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Ngoài ra, theo quy định Điều 2 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về phạm vi điều chỉnh.
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về đăng ký sửa đổi chế độ kế toán.
Đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán
......
3. Đối với chứng từ và sổ kế toán
a) Các chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc), doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng theo biểu mẫu ban hành kèm theo phụ lục số 3 Thông tư này hoặc được tự thiết kế phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị nhưng phải đảm bảo cung cấp những thông tin theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b) Tất cả các biểu mẫu sổ kế toán (kể cả các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký) đều thuộc loại không bắt buộc. Doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư này hoặc bổ sung, sửa đổi biểu mẫu sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.
Thông qua căn cứ trên, bảng chấm công áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, bảng chấm công có thể sử dụng theo mẫu ban hành kèm theo Phụ lục số 03 tại Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc doanh nghiệp có thể tự thiết kế sao cho phù hợp với hoạt động tổ chức của doanh nghiệp.
Mẫu bảng chấm công hàng ngày mới nhất năm 2023? (Hình từ Internet).
Mục đích của việc lập bảng chấm công hàng ngày là gì?
Theo quy định tại Phụ lục 03 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định mục đích của việc lập bảng chấm công như sau:
1. Mục đích:
Bảng chấm công dùng để theo dõi ngày công thực tế làm việc, nghỉ việc, nghỉ hưởng BHXH, ... để có căn cứ tính trả lương, bảo hiểm xã hội trả thay lương cho từng người và quản lý lao động trong đơn vị.
Ngoài ra theo Phụ lục 03 Thông tư 200/2014/TT-BTC cũng quy định về phương pháp chấm công như sau:
Phương pháp chấm công:
Tùy thuộc vào điều kiện công tác và trình độ kế toán tại đơn vị để sử dụng 1 trong các phương pháp chấm công sau:
- Chấm công ngày: Mỗi khi người lao động làm việc tại đơn vị hoặc làm việc khác như hội nghị, họp,... thì mỗi ngày dùng một ký hiệu để chấm công cho ngày đó.
Cần chú ý 2 trường hợp:
+ Nếu trong ngày, người lao động làm 2 việc có thời gian khác nhau thì chấm công theo ký hiệu của công việc chiếm nhiều thời gian nhất. Ví dụ người lao động A trong ngày họp 5 giờ làm lương thời gian 3 giờ thì cả ngày hôm đó chấm “H” Hội họp.
+ Nếu trong ngày, người lao động làm 2 việc có thời gian bằng nhau thì chấm công theo ký hiệu của công việc diễn ra trước.
- Chấm công theo giờ:
Trong ngày người lao động làm bao nhiêu công việc thì chấm công theo các ký hiệu đã quy định và ghi số giờ công thực hiện công việc đó bên cạnh ký hiệu tương ứng.
- Chấm công nghỉ bù: Nghỉ bù chỉ áp dụng trong trường hợp làm thêm giờ hưởng lương thời gian nhưng không thanh toán lương làm thêm, do đó khi người lao động nghỉ bù thì chấm "NB" và vẫn tính trả lương thời gian.
Như vậy, việc lập bảng chấm công hàng ngày có mục đích là theo dõi, quản lý ngày công thực tế làm việc của người lao động, nghỉ việc, nghỉ hưởng BHXH,.....Mặt khác, đây là căn cứ để tính lương, BHXH cho nhân viên và quản lý.
Có 02 phương pháp chính:
- Chấm công ngày: Mỗi ngày người lao động phải dùng một ký hiệu, hay phương thức nào đó công ty quy định để xác nhận chấm công cho ngày đó.
- Chấm công theo giờ: Trong 01 ngày, người lao động làm bao nhiêu công việc thì chấm công theo phương thức công ty quy định và nêu rõ số giờ cụ thể để thực hiện các công việc đó.
Tải chi tiết Phụ lục 03 Danh mục và Biểu mẫu chứng từ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC tại đây. Tải về
Mẫu bảng chấm công hàng ngày mới nhất 2023?
Theo quy định Phụ lục 03 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định mẫu bảng chấm công hàng ngày như sau:
Xem chi tiết và tải về mẫu bảng chấm công hàng ngày mới nhất 2023 tại đây. Tải về.
Hướng dẫn ghi mẫu bảng chấm công cụ thể như:
- Cột A, B: Ghi số thứ tự, họ và tên từng người trong bộ phận công tác.
- Cột C: Ghi ngạch bậc lương hoặc cấp bậc chức vụ của từng người.
- Cột 1-31: Ghi các ngày trong tháng (Từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng).
- Cột 32: Ghi tổng số công hưởng lương sản phẩm của từng người trong tháng.
- Cột 33: Ghi tổng số công hưởng lương thời gian của từng người trong tháng.
- Cột 34: Ghi tổng số công nghỉ việc và ngừng việc hưởng 100% lương của từng người trong tháng.
- Cột 35: Ghi tổng số công nghỉ việc và ngừng việc hưởng các loại % lương của từng người trong tháng.
- Cột 36: Ghi tổng số công nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội của từng người trong tháng.
Hàng ngày tổ trưởng (Trưởng ban, phòng, nhóm,...) hoặc người được ủy quyền căn cứ vào tình hình thực tế của bộ phận mình để chấm công cho từng người trong ngày, ghi vào ngày tương ứng trong các cột từ cột 1 đến cột 31 theo các ký hiệu quy định trong chứng từ.
Cuối tháng, người chấm công và người phụ trách bộ phận ký vào Bảng chấm công và chuyển Bảng chấm công cùng các chứng từ liên quan như Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy xin nghỉ việc không hưởng lương,... về bộ phận kế toán kiểm tra, đối chiếu qui ra công để tính lương và bảo hiểm xã hội. Kế toán tiền lương căn cứ vào các ký hiệu chấm công của từng người tính ra số ngày công theo từng loại tương ứng để ghi vào các cột 32, 33, 34, 35.
Ngày công được quy định là 8 giờ. Khi tổng hợp quy thành ngày công nếu còn giờ lẻ thì ghi số giờ lẻ bên cạnh số công và đánh dấu phẩy ở giữa.
Trân trọng!


Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng là là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào năm nào?
- Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định những nội dung nào?
- Ngày 2 tháng 3 năm 2025 là thứ mấy? 2 tháng 3 năm 2025 là ngày mấy âm?
- Mùng 1 tháng 3 âm là ngày bao nhiêu dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội mùng 1 tháng 3 2025 âm lịch bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi cho thuê lại có được xem là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?