Người lao động có thể bị đuổi việc nếu từ chối đi công tác xa không?
Người lao động có được từ chối công tác xa không?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định một trong những nghĩa vụ của người lao động như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
…
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, nếu trong hợp đồng lao động có thỏa thuận việc người lao động sẽ đi công tác xa theo phân công, điều hành của người sử dụng lao động thì người lao động không được từ chối việc đi công tác xa.
Ngoài ra, căn cứ Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được cử người lao động đi công tác xa trong các trường hợp sau:
- Người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Người lao động có bị đuổi việc nếu từ chối đi công tác xa hay không? (Hình từ Internet)
Từ chối đi công tác xa có bị đuổi việc, sa thải không?
Căn cứ Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức kỷ luật đuổi việc, sa thải như sau:
Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Căn cứ quy định nêu trên thì việc người lao động từ chối đi công tác xa không thuộc trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Tuy nhiên, nếu người lao động từ chối đi công tác xa mà đã bị kỷ luật bằng hình thức kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức nhưng chưa được xóa kỷ luật lại tái phạm hành vi này thì có thể sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, đuổi việc.
Sử dụng NLĐ đi công tác xa sai quy định sẽ bị phạt thế nào?
Căn cứ điểm a, điểm b khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được quy định như sau:
Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
…
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
b) Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;
…
Như vậy, nếu người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động đi công tác xa sai với quy định có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.
Mức xử phạt hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, với tổ chức vi phạm thì mức xử phạt 20 – 40 triệu đồng (căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự kiến khi nào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hoàn thành?
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng là gì? Gồm những dự án nào?
- Yêu cầu đối với các hoạt động khai thác cát sỏi trong hồ theo Nghị định 53?
- Doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi Chủ tịch HĐQT khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận phạt đến 180 triệu?
- 02 hình thức công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh dạy thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025?